Bận rộn đơn hàng cuối năm

Trao đổi với PV. VietNamNet, Chủ tịch Phúc Sinh Group - ông Phan Minh Thông cho biết, kết thúc năm 2022, đơn vị đạt mức doanh thu tăng trưởng 35%. Dù kinh tế thế giới chịu nhiều biến động, song, năng lượng và thực phẩm là hai mặt hàng vẫn được người dân quan tâm. 

“May mắn là chúng tôi bán thực phẩm. Sản lượng cà phê, hạt tiêu... xuất khẩu tăng. Ngoài thị trường châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ, chúng tôi đang hướng tới các nước châu Á, Trung Đông. Cà phê Việt Nam được đối tác nước bạn đánh giá chất lượng tốt, giá cạnh tranh”, ông Thông nói.

Tương tự, đối với Công ty Dh Foods, những ngày cuối tháng 12 là thời gian khá bận rộn. Trong ngày 26-28/12, doanh nghiệp xuất hai container sa tế sang thị trường Nhật Bản. Đây là sản phẩm mới của doanh nghiệp, bắt đầu tấn công thị trường tiềm năng này. 

Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chủ lực năm 2022 của doanh nghiệp TP.HCM. (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM)

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho hay, năm qua, doanh nghiệp tận dụng tốt nguồn nguyên liệu nội địa, giảm tỷ trọng nhập khẩu, công ty đã sản xuất vượt chỉ tiêu năm 2022. Nhờ vậy, Bidrico thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động dự kiến tốt hơn năm ngoái.

Tháng 12/2022, qua khảo sát 1.078 doanh nghiệp sử dụng hơn 221.000 lao động tại địa phương, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho hay, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 bình quân là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (8,88 triệu đồng/người). Mặt khác, từ nay đến giữa năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cần tuyển khoảng 40.000 lao động, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chế biến công nghiệp; hay tại khu công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Còn theo Cục Thống kê TP.HCM, tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 47,2 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô xấp xỉ 45 tỷ USD, tăng 4,5%. 

Vốn và công tác dự báo

Dẫu kết quả kinh doanh năm qua khả quan nhưng ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, nhận định, năm 2023 sẽ có nhiều thách thức. Theo vị doanh nhân này, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm tới tín dụng doanh nghiệp, nên tiếp sức doanh nghiệp thông qua lãi suất cho vay, có vậy, doanh nghiệp mới dám tái đầu tư sản xuất.

Tương tự, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), bà Lý Kim Chi, cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau nhiều tháng triển khai chỉ mới hỗ trợ được số tiền rất nhỏ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, dòng vốn năm 2023 phải được ưu tiên cho hoạt động sản xuất, hạn chế tối đa độ trễ của chính sách. 

Vốn và công tác dự báo là hai trong nhiều yếu tố doanh nghiệp cần hỗ trợ trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Đối với ngành lương thực thực phẩm, Chủ tịch FFA đề xuất số hóa dữ liệu cho các sản phẩm, nguyên vật liệu. Việc số hóa dữ liệu giúp doanh nghiệp hiểu họ cần gì, các địa phương có khả năng cung cấp nguyên liệu gì để tránh hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Khi có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương, kế hoạch xây dựng các vùng nuôi trồng nguyên liệu sẽ phù hợp hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - nhận định, năm 2023, các doanh nghiệp sẽ ít chú trọng vào lượng mà thay bằng chất trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông đánh giá, công tác dự báo rất quan trọng trong năm tới trước những biến động kinh tế khó lường. Công tác dự báo cần đi vào từng ngành, nghề cụ thể, từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong lập kế hoạch kinh doanh, sản xuất.

"Khi cộng đồng doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước biến động thời cuộc mới có thể thực thi tốt các chính sách vĩ mô dựa trên thông tin, định hướng của cơ quan nhà nước", ông Đức chia sẻ.