Quốc hội sáng nay (10/6) thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra đột phá và tháo gỡ "điểm nghẽn" nhiều năm qua cho phát triển kinh tế của miền Đông Nam Bộ - TP.HCM.

Ông Nghĩa góp ý về nội dung của dự thảo nghị quyết liên quan cơ chế chỉ định thầu, trong đó quy định quá trình triển khai áp dụng chỉ định thầu với gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư thì cho phép Thủ tướng xem xét quyết định, chỉ định thầu.

Ông kiến nghị chỉnh lại nội dung này và cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có liên quan xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án với các gói thầu đã nêu. ĐB phân tích, khi Thủ tướng ủy quyền thì về pháp lý quyền vẫn nằm trong Thủ tướng và quy định rõ trình tự thủ tục thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu sẽ vẫn yên tâm về vấn đề ủy quyền.

"Ủy quyền cho Chủ tịch UBND thì Chủ tịch UBND thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng và thực hiện theo pháp luật về đấu thầu thì những chốt này sẽ bảo đảm bảo sự tuân thủ rất cao", ông Nghĩa nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Bên cạnh đó, ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị điều chỉnh quy định trong quá trình thực hiện dự án, nếu phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội thành "nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chủ tịch UBND báo cáo Thủ tướng, nếu cần thiết Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".

"Quốc hội họp 6 tháng 1 lần còn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ nhanh chóng hơn", ông Nghĩa nêu. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành nghị quyết.

Tranh luận với ĐB Nghĩa, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng đây là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất. Đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.

ĐB Nguyễn Văn Thân

Theo ĐB, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Ông Thân cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.

Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ: "Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn". Do vậy, ông cho rằng nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng hai tuyến đường vành đai sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.

Ông Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường.

ĐB Hoàng Văn Cường

Ông đề xuất, quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực). Tổ chức đấu thầu các dự án phát triển các trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và các hệ thống giao thông trong vùng. 

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng trong thiết kế 2 dự án này, cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, với các tuyến giao thông hiện hữu. Vì vậy cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân.

Bà cũng lưu ý, việc quản lý, bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng dọc tuyến cần phải làm hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

ĐB Tạ Thị Yên

Rút kinh nghiệm từ dự án vành đai 2 TP.HCM được quy hoạch và thực hiện cách đây 15 năm, dài 64km, nhưng đến nay vẫn còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. “Chỉ riêng một đoạn 3 dài 2,7km mà việc triển khai từ năm 2017 đến nay vẫn còn dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm”, bà Yên nói.

Một điểm nữa được bà Yên nhấn mạnh là câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

“Tôi đề nghị, Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng.  Trước mắt áp dụng thí điểm cho các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay”, bà Yên lưu ý, tránh tình trạng khi thu hồi đất xong người dân không có chỗ ở, thiếu đất để canh tác, sản xuất, kinh doanh, việc làm...

ĐB Lê Hoài Trung (Thừa Thiên - Huế) đề nghị cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư,…từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết và giúp thúc đẩy.

Mặt khác, ông Trung cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót.

ĐB Lê Hoài Trung 

Tranh luận với ĐB Trung về việc cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai 2 dự án đường vành đai, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.

Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra.

"Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật", ông Vân nêu rõ.

Trần Thường - Thu Hằng