QĐND - Bài học từ những sự việc phức tạp, “điểm nóng’’ vừa qua cho thấy, chỉ khi nào nhận thức đúng đắn, giải quyết hài hòa, xử lý thỏa đáng mối quan hệ quyền và nghĩa vụ công dân, mối quan hệ giữa việc thực hiện quyền dân chủ đi đôi với tôn trọng kỷ cương phép nước; đồng thời chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng yêu nước một cách chân chính, đúng mực, văn minh, chúng ta mới có thể phòng chống, ngăn chặn hiệu quả những sự việc phức tạp,“điểm nóng” phát sinh.
Giải quyết đúng mối quan hệ quyền công dân gắn với nghĩa vụ công dân
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì dân chủ không chỉ là mục tiêu, mà còn là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhưng việc tôn trọng, phát huy dân chủ của nhân dân phải đặt trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, mỗi người dân thực hiện đúng quyền công dân đồng thời phải có trách nhiệm làm tốt nghĩa vụ công dân đối với xã hội và đất nước.
Đáng tiếc là thời gian qua, một số người dân đã có nhận thức chưa đúng đắn về dân chủ, thậm chí có biểu hiện dân chủ lệch lạc, dân chủ quá trớn. Những biểu hiện lợi dụng dân chủ đóng góp cho hai dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng để biểu tình, gây rối, làm mất an ninh chính trị và chống người thi hành công vụ vừa qua là một ví dụ của thực trạng trên.
Nhìn lại những vụ việc phức tạp, "điểm nóng" những năm gần đây như: Vụ tuần hành, biểu tình lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường để gây rối, đập phá tài sản của doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (tháng 5-2014); vụ 500 giáo dân xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lợi dụng việc đi khởi kiện Công ty Formosa tràn ra đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại Quốc lộ 1A, ném gạch đá tấn công lực lượng chức năng khiến 16 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương và 3 ô tô công vụ bị hư hỏng (tháng 2-2017); vụ tụ tập đông người gây áp lực với chính quyền, bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội (tháng 4-2017); vụ hàng trăm người kích động, đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận vừa qua… có nguyên nhân sâu xa từ việc người dân hiểu chưa đúng tinh thần dân chủ, không đặt dân chủ trong khuôn khổ luật pháp, thậm chí có cử chỉ, hành vi dân chủ vô chính phủ.
Lý do của tình trạng nêu trên, trước hết có trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan công quyền, cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, đảng viên... trong việc xử lý đã chủ quan, thiếu chủ động, chưa nhạy bén, còn quan liêu, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, có tình trạng hữu khuynh, né tránh, mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Chúng ta đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, xử lý nhiều tập thể, cá nhân cả về đảng cũng như chính quyền, có trường hợp đã đưa ra xử lý nghiêm minh bằng luật pháp được dư luận hoan nghênh. Và chắc chắn công việc này sẽ còn được tiếp tục tiến hành nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xử lý, ngăn chặn hiệu quả những sự việc phức tạp, "điểm nóng". Đó còn là bởi sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các phần tử xấu với nhiều thủ đoạn trắng trợn, tinh vi, thâm độc đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng chống. Nhưng cũng cần chỉ rõ: những vụ việc phức tạp, "điểm nóng" còn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu ý thức chính trị, lợi dụng dân chủ mà một số người dân đã có biểu hiện đòi hỏi quyền dân chủ cao hơn mức độ cho phép; đặt ra yêu cầu được hưởng quyền lợi nhiều hơn nghĩa vụ, công lao đóng góp cho nhà nước và xã hội; có người dân chỉ biết đòi quyền lợi mà không thực hiện nghĩa vụ công dân, suy nghĩ không thấu đáo, hành xử không chín chắn, coi thường kỷ cương phép nước, dẫn đến lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật.
Sống trong một xã hội pháp quyền, bất kể ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả pháp lý gây ra. Không có lý do gì mà những công dân lợi dụng dân chủ để cố tình đập phá, hủy hoại công trình công cộng, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội và chống người thi hành công vụ lại không bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Bất kể công dân nào, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật cũng phải xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh. Sức mạnh pháp luật là ở đó. Dân chủ cũng là ở đó. Thế nên, những ý kiến rêu rao rằng “chính quyền Việt Nam bắt bớ những người yêu nước đi biểu tình” là vô căn cứ, vu khống, xuyên tạc trắng trợn, rất cần phải phê phán, bác bỏ!
Hỗ trợ người dân thực hiện đúng quyền công dân gắn với nghĩa vụ công dân, trước hết các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần tôn trọng, bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có điều kiện thụ hưởng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng đã được Hiến pháp, pháp luật thừa nhận; đồng thời cần hướng dẫn, động viên, giáo dục, tuyên truyền nhân dân đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân đối với xã hội và đất nước.
Mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc rằng, quyền công dân chỉ được bảo đảm và hiện diện trong thực tế khi đặt trong mối quan hệ hữu cơ với nghĩa vụ công dân, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và các công dân khác. Mình vì mọi người, thì mọi người mới vì mình. Do vậy, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu, học tập để nắm vững những quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản của mình. Các cơ quan nhà nước và cơ quan báo chí cần chủ động cung cấp thông tin chính thống cho người dân, tăng cường giải đáp chính sách, luật pháp để người dân có cơ hội tiếp cận, nắm vững các quyền, nghĩa vụ công dân theo luật định.
Tôn trọng dân chủ đi đôi với đề cao ý thức pháp luật
Khi đời sống xã hội ngày càng dân chủ thì người dân càng có nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình với các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước. Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, luật pháp. Điều đó thấy rõ trong các dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, chuẩn bị thông qua Hiến pháp, Đảng và Nhà nước ta thông qua nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức để lấy ý kiến đóng góp của người dân trên mọi miền đất nước vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, vào dự thảo Hiến pháp...Vừa qua, trước những ý kiến băn khoăn, chưa đồng thuận với một số nội dung trong dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Quốc hội khóa XIV cũng đã tạm dừng thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5 để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh. Điều này chứng tỏ cơ quan lập pháp cao nhất của nước ta rất cầu thị, luôn tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia ý kiến và phản biện chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, có một số người hoặc là thiếu thông tin, hiểu biết pháp luật, hoặc là do thái độ cực đoan, bị kẻ xấu lôi kéo, kích động nên đã đưa ra những ý kiến, kiến nghị không phù hợp, khó có thể đáp ứng theo luật định, dẫn đến có lời nói, việc làm chưa phù hợp, thậm chí là vi phạm pháp luật. Cũng cần chú ý rằng: Trên thực tế có những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là liên quan đến đất đai diễn ra từ nhiều năm nay, tuy đã được giải quyết đúng pháp luật, có lý có tình, đã kiểm tra rà soát, trả lời, có văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, gây phức tạp đến trật tự an toàn xã hội. Các dự án luật đều qua 5 bước xây dựng, được công khai từ rất sớm trên nhiều phương tiện truyền thông. Chỉ cần một động tác tìm kiếm trên google thông qua điện thoại, người dân có thể đọc được ngay các dự thảo luật. Thế nhưng suốt một thời gian dài, hầu như rất ít ý kiến phản bác trước khi sự việc được đẩy lên thành làn sóng bức xúc thông qua mạng xã hội.
Trong một xã hội tôn trọng dân chủ và đề cao pháp quyền, chúng ta không thể chấp nhận tình trạng dân chủ theo kiểu chưa hề đọc, chưa hề nghiên cứu các dự thảo luật mà đã vội vàng phê phán, phản bác hay cố tình tạo ra nguyên cớ, chây ỳ không chịu chấp nhận sự thật. Vì vậy, cùng với việc đề cao trách nhiệm của các cơ quan công quyền, cơ quan truyền thông phải chủ động, tích cực, kiên trì tuyên truyền, giải thích, vận động người dân thật sâu, rộng, đến từng người, từng gia đình thì chúng ta cũng cần chú trọng xây dựng văn hóa góp ý, văn hóa phản biện, văn hóa chấp hành pháp luật theo đúng quy định của luật pháp. Sự hỗ trợ , đồng hành của cộng đồng là hết sức cần thiết, quan trọng, nhưng bản thân từng người dân cũng phải nêu cao trách nhiệm công dân , tìm hiểu, học tập, nắm vững chính sách, luật pháp, nắm vững nội dung, phương phát phản biện để thực hiện, chấp hành cho tốt. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiếp xúc với một số người dân tham gia biểu tình ở Bình Thuận sau khi sự việc kết thúc, được chứng kiến họ thể hiện sự hối hận vì hành vi bột phát của mình, mà trong đó là do chưa biết, chưa hiểu về các quy định của pháp luật đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ... cũng như các hình phạt đi kèm.
Muốn khắc phục được tình trạng người dân bày tỏ ý kiến chưa đúng luật, theo Đại tá, TS Luật học Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị), một mặt chúng ta cần đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, ý thức hiểu biết và tuân thủ pháp luật cho người dân; mặt khác phải chủ động hướng dẫn công dân thực hiện quyền bày tỏ, tham gia ý kiến, kiến nghị của mình với chính quyền, cơ quan chức năng bảo đảm hợp pháp, hợp lý, hợp thời, hợp tình. Ý kiến hợp pháp tức là ý kiến phải nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành. Ý kiến hợp lý là nêu đúng, nêu trúng bản chất vấn đề một cách trung thực, khách quan. Hợp thời là đưa ra ý kiến cần đúng thời điểm, gửi đúng đối tượng, đặt đúng địa chỉ, không nên có ý kiến vượt cấp nếu không có lý do chính đáng. Ý kiến hợp tình là ý kiến đưa ra phải phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước, xã hội, địa phương để không đề xuất, yêu cầu những đòi hỏi vô lý.
Không để lòng yêu nước bị lợi dụng
Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, việc người dân bày tỏ quan điểm, đưa ra ý kiến đóng góp của mình là cần thiết, chính đáng, thể hiện sự quan tâm , lòng yêu nước rất đáng trân trọng. Chỉ đáng tiếc, trong khi đa số người dân đã thể hiện thái độ bình tĩnh, đúng mực về tinh thần yêu nước, vẫn còn một số người do thiếu thông tin hoặc bị xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã bị cuốn theo “tâm lý đám đông” tiêu cực rồi bày tỏ lòng yêu nước thái quá.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri những ngày qua, bên cạnh ghi nhận, biểu dương tinh thần yêu nước chân chính của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác trước những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, cố tình xuyên tạc sự thật hai dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng nhằm chia rẽ mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ với nhân dân, kích động một số người dân lợi dụng lòng yêu nước để có hành vi quá khích, gây xáo trộn cuộc sống bình yên của nhân dân, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và hình ảnh đất nước.
Lòng yêu nước của nhân dân ta, như Bác Hồ từng khẳng định “Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Nhưng truyền thống quý báu đó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ; không có bất cứ thái độ, cử chỉ, hành vi nào làm tổn thương đến hình ảnh đất nước, phương hại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Người dân có lòng yêu nước chân chính không thể đi tuần hành rầm rộ gây cản trở giao thông, xông vào đập phá trụ sở chính quyền, ném gạch đá vào lực lượng công an đang thực thi nhiệm vụ, dọa “đốt” công ty… như vụ việc xảy ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương vừa qua. Kẻ xấu hay các thế lực thù địch cũng không thể lôi kéo, dụ dỗ được những người dân thật sự yêu nước, luôn bình tĩnh, tĩnh táo trong mọi tình huống. Dư luận rất đồng tình, hoan nghênh việc Trưởng Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã sử dụng facebook cá nhân để đăng lời cảm ơn người dân địa phương đã hỗ trợ lực lượng an ninh trong việc giữ gìn an ninh trật tự những ngày xảy ra sự việc phức tạp.
Để lòng yêu nước chân chính của nhân dân không bị lợi dụng, các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, tăng cường biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, đồng thời chú trọng nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của dân. Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng cao và đa dạng. Sự bùng nổ thông tin ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm, lối sống, ứng xử… của các thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải đổi mới tác phong dân vận theo đúng phương châm “Gần dân, trọng dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để thu hẹp những khoảng cách bất đồng, tháo gỡ mâu thuẫn, tìm biện pháp giải quyết và bảo đảm lợi ích tối ưu cho người dân. Đây cũng là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống”.
Tuy vậy, một mặt đòi hỏi cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng lắng nghe ý kiến nhân dân, tôn trọng những đòi hỏi chính đáng của dân, kịp thời giải quyết những bức xúc của dân; mặt khác cũng đặt ra yêu cầu đối với người dân phải chú ý tiếp xúc với thông tin chính thống, chính xác, để tránh bị nhiễu, bị kích động, lôi kéo; không gây áp lực cho chính quyền khi chưa nắm bắt đầy đủ thông tin; đồng thời biết cảm thông với chính quyền khi không thể xử lý dứt điểm được ngay những vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới phát sinh và những vấn đề lợi ích liên quan nhiều người dân trong một sớm một chiều, mà phải cần có thời gian, nhân lực, vật lực mới có thể giải quyết thỏa đáng, hợp lý hợp tình những vấn đề đó.
Biết sẻ chia với những khó khăn của đất nước, quan tâm đến những nỗi lo của chính quyền đang phải gánh vác và cùng kiên nhẫn, chung sức, chung lòng tìm cách giải quyết có hiệu quả bằng những việc làm thiết thực, ích nước, lợi nhà, đó chính là cách thể hiện thái độ chính trị tích cực và lòng yêu nước chân chính của mỗi công dân để góp phần chăm lo lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc.
1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. (Điều 15, Hiến pháp 2013) |
Công Minh, Nguyên Minh, Văn Hải, Quang Phương