Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 1/10 thì lãi suất huy động tại các ngân hàng phổ biến từ 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 2,55% - 4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4-6,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,2%/năm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết không kỳ vọng vay được vốn với lãi suất thấp từ ngân hàng, bởi lãi vay thời gian qua chỉ giảm từ 0,2-1%/năm. Hy vọng lớn nhất là sau đợt giảm lãi suất điều hành này, thời gian tới lãi suất sẽ giảm sâu hơn, tạo ra 1 đợt giảm lãi suất cho vay mới.

Giảm nhỏ giọt

Ông Nguyễn Hoàng Hải, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Trích Sài, Hồ Tây, Hà Nội, chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm, cho biết, vay vốn ngắn hạn có tài sản đảm bảo hiện phải chịu lãi suất 9%/năm. Lãi suất có giảm so với trước, nhưng mức giảm chỉ là 0,5%. Tính ra, với khoản vay 1 tỷ đồng, trước kia trả lãi mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng thì nay trả 7,5 triệu đồng, giảm không đáng kể.

{keywords}
Doanh nghiệp các ngành như bất động sản, du lịch, vận tải,... thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, mong chờ các gói tín dụng lãi suất thấp nhưng chưa thấy đâu

Một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị điện tại Thanh Trì, Hà Nội phản ánh, lãi vay kỳ hạn 6 tháng với khoản vay cũ là 10,5%/năm, ngân hàng không cho giảm. Còn lãi vay mới được giảm về mức 9,3%/năm, nhưng chỉ dành cho 3 tháng đầu, còn 3 tháng sau sẽ thả nổi, chắc chắn lại vượt 10%/năm. Không những thế, tài sản thế chấp của danh nghiệp là nhà đất, trước kia ngân hàng còn định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa cho vay khoảng 40% giá trị, nên nhu cầu về vốn bị thiếu.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty sửa chữa ô tô tại Nguyễn Thị Định (Hà Nội), phải là các doanh nghiệp lớn, có mối quan hệ lâu năm với ngân hàng, vay khoản lớn mới được giảm lãi suất hiện hữu và lãi suất cho vay khoảng 2%/năm, còn lại các doanh nghiệp nhỏ vay vốn lãi suất vẫn cao, chỉ được giảm từ 0,2-1%/năm.

Với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 11%/năm. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng nhỏ lãi suất cho vay dài hạn ở mức 12%/năm, không những thế điều kiện cho vay cũng bị thắt chặt.

Khi lãi suất huy động giảm liên tục thì lãi suất cho vay lại giảm từ từ. Đặc biệt, các khoản vay cũ, là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh do dịch Covid-19, thì hầu như không được giảm.

Mong mỏi lãi suất ưu đãi

Phía ngân hàng giải thích lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động vì các khoản vốn huy động trước đó lãi suất cao vẫn còn nên không thể giảm nhanh lãi suất cho vay được. Hơn nữa ngân hàng cũng bị tác động của dịch Covid-19, cũng vẫn phải trả lãi cho các khoản huy động vốn từ khách hàng.

{keywords}
Lãi suất huy động liên tục giảm, lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt

Doanh nghiệp nhiều ngành bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh như bất động sản, du lịch, vận tải,... mong chờ các gói tín dụng lãi suất thấp nhưng chưa thấy đâu. Theo các doanh nghiệp, với lãi suất huy động ngắn hạn ở mức từ 2,55-4,1%/năm thì cho vay khoảng 6-6,5% và huy động dài hạn từ 6-6,5%/năm thì lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 8,5-9%/năm là hợp lý. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ họ cần những khoản vay với lãi suất từ 0-3%/năm để vực dậy sản xuất kinh doanh.

Nhiều hiệp hội đã kiến nghị giảm mạnh lãi suất cho vay. Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đề nghị giảm lãi suất cho vay về 0%- 5%/năm. Còn Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị có các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành riêng cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã mạnh tay tung ra những gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp với lãi suất thấp, lãi suất 0%... nhưng Việt Nam chưa có, cho dù có thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được. Chẳng hạn như gói cho vay lãi suất 0%/năm để trả lương người lao động nghỉ việc, quy mô 16.000 tỷ đồng, đến nay chỉ có 1 DN đủ điều kiện vay vốn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ cần sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng thương mại, mà nhất thiết phải sử dụng nguồn từ ngân sách. Theo đó, ngân sách có thể cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay với lãi suất khoảng 4%/năm.

Dù vậy, việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, cấp bù lãi suất cho vay như thế nào, quy mô ra sao, đối tượng nào được hưởng,... vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho thấy khó khăn sẽ còn kéo dài sang năm 2021. Nếu các doanh nhiệp không nhận được sự hỗ trợ cần thiết sẽ khó tồn tại và phải ngừng sản xuất kinh doanh khiến số người lao động mất việc làm, không có thu nhập ngày càng tăng.

Trần Thủy