Sắp sửa trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay, Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn nhận được nhiều ý kiến đánh giá là thiếu khả thi và viển vông.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trước khi dự thảo Luật trình lên Quốc hội vào tháng 5/2017.

Hỗ trợ còn viển vông

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến lần này, nhiều hiệp hội ngành nghề đại diện cho các DNNVV cho rằng, dự thảo Luật rất dài, rất hoành tráng với 4 chương và 38 điều nhưng còn quá nhiều bất cập và thiếu tính khả thi.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ ra những bất cập trong việc phân loại DNNVV.

Ví như, quy định DNNVV có tổng nguồn vốn năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng, vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tổng tài sản, ông Giang đặt câu hỏi. Điều này áp vào các DN may mặc hoàn toàn không phù hợp. Nhiều DN may vốn chỉ 5 tỷ đồng, nhưng có tới cả nghìn lao động; vốn dưới 10 tỷ, nhưng tới 4.000 lao động.

{keywords}

Dự thảo Luật "rất dài, rất oai và rất hoành tráng, nhưng ít khả thi”

Nếu áp dụng quy định này thì hầu hết các DN may tại Việt Nam sẽ trở thành DNNVV, nhưng thực tế không thể gọi họ là “nhỏ và vừa” được.

Ngoài ra, các hỗ trợ dành cho DNNVV trong Dự thảo luật có nhiều điều viển vông, thiếu thực tế. Chẳng hạn, quy định về nguồn lực hỗ trợ DNNVV bằng vốn ngân sách và các tổ chức cá nhân trong, ngoài nước. Theo ông Giang, ngân sách Nhà nước thường xuyên trong tình cảnh khó khăn, thu ít chi nhiều, lấy đâu để hỗ trợ, còn các tổ chức cá nhân trong ngoài nước mà có vốn thì họ sẽ đầu tư vào các dự án, sẽ kinh doanh, chứ sao lại đem đi hỗ trợ các DNNVV, cho nên điều này rất viển vông.

Với hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, Dự thảo Luật quy định cấp tỉnh bố trí quỹ đất để hình các cụm công nghiệp cho DNNVV, ông Giang cho rằng, thực tế hiện nay hầu hết các địa phương đang bán đất và cho thuê đất để có nguồn thu. Thậm chí, địa phương còn gây áp lực về giá thuê đất với DN, có nơi nâng lên gấp 4-5 lần.

Tại quận 12, TP.HCM, có DN may bị nâng giá thuê đất lên quá cao, chịu không nổi phải cầu cứu Hiệp hội Dệt may. Hiệp hội lại phải cầu cứu Bộ Tài chính can thiệp thì giá thuê đất mới được giảm. Các DNNVV sẽ khó nhận được ưu đãi về mặt bằng với các quy định như vậy.

Hay quy định UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện ngân sách, tham gia góp vốn cùng các quỹ tư nhân, để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại các DNNVV, ông Giang lưu ý đến nay chỉ 20% số địa phương tự túc được ngân sách, còn lại đều phải xin thêm TƯ, lấy đâu ra tiền để đầu tư cho DNNVV?

"Bài văn" không đáng chấm điểm

Ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, nhận xét, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV không khác gì "luận văn" mẫu, nhưng chỉ làm cho có. “Rất dài, rất oai và rất hoành tráng, nhưng ít khả thi”.

“Tôi nhớ Luật phát triển linh kiện của Nhật Bản chỉ dài có 3 trang, với 7 điều nhưng đã khiến hàng vạn DNNVV của quốc gia này phát triển mạnh mẽ. Luật 8 chữ của Hàn Quốc: " Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ", khi ban hành đã tạo ra "làn sóng" hàng vạn DN nhỏ thành lập và đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất linh kiện, cung cấp cho các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, LG,...

{keywords}

DNNVV cần sự công bằng và minh bạch trong kinh doanh, tuân theo cơ chế thị trường

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV của ta, giống như "bài văn" không đáng chấm điểm. Tôi khẳng định, cho dù có được Quốc hội thông qua thì Luật này cũng không thể đi vào đời sống, không làm được gì và không có giá trị”, ông Tuấn thẳng thắn nói.

Theo ông Tuất, dự thảo vẽ ra tới 7 "món" hỗ trợ, chẳng khác gì "lẩu thập cẩm". Bởi, các hỗ trợ này đều phải tuân thủ theo quy định của 7 Luật chuyên ngành như luật thuế, đấu thầu, tín dụng,... làm sao có thể đem lại hiệu quả? Vì vậy, quy định trong dự thảo này là vô nghĩa", ông Tuất góp ý.

Hiện có tới 97% DN Việt Nam là DNNVV, như vậy tính ra cũng khoảng 500.000 DN. Nếu sử dụng ngân sách hỗ trợ liệu có đủ, chỉ 10 triệu đồng cho một DN đã đủ làm "điêu đứng" ngân sách rồi, ông Tuất tính toán.

Việt Nam đang hội nhập kinh tế toàn cầu với rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, vì vậy rất "kị" từ "hỗ trợ". Các FTA đều có điều khoản yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, tránh hỗ trợ. Ông Tuất cho biết, thực tế đã có khá nhiều ví dụ "đau thương" vì các quy định có từ "hỗ trợ" mà hàng hóa của DN Việt Nam chịu thiệt hại từ các đối tác.

"Các DNNVV cần được bảo vệ để làm ăn chính đáng thay vì hỗ trợ những thứ không cần hỗ trợ". Từ "hỗ trợ" trong Dự thảo Luật có thể "xúc phạm" chính các DNNVV, bởi các DN này luôn mong muốn kinh doanh bình đẳng, sòng phẳng, nghiêm túc và góp phần phát triển đất nước, ông Tuấn nhận xét.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết đã tham gia góp ý rất nhiều cho Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, song đến nay vẫn thấy nhiều lúng túng, nếu ban hành sẽ khó thực hiện.

Vấn đề hỗ trợ, theo ông Đức, nguồn lực Nhà nước rất hạn chế lấy gì hỗ trợ? Đối tượng hỗ trợ lại quá rộng, chiếm tới 97% trong tổng số DN, sẽ khó đảm bảo hiệu quả. Trong khi đó, DNNVV cần sự công bằng và minh bạch trong kinh doanh, tuân theo cơ chế thị trường.

Lắng nghe ý kiến góp ý của các hiệp hội, DN, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận: "Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng".

Quy định về trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV trong viêc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, nhiều ý kiến cũng cho rằng dễ gây cơ chế xin - cho, không bao quát được các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ, nhất là DN ở các địa phương.

Quy định này sẽ khiến nhiều DNNVV tại các địa phương không tham gia trong Hiệp hội DNNVV gặp khó khăn. Như vậy, có nguy cơ lại phải lo lót, thậm chí phải tìm cách tham gia ban chấp hành hiệp hội để có tiếng nói.

Trần Thủy