Sáng 2/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, Quốc hội tán thành với đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện chương trình xây dựng pháp luật như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đồng ý về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật khác. 9 dự luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Ngoài ra, tại kỳ họp 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó Luật Chuyển đổi giới tính là sáng kiến lập pháp của đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Quốc hội yêu cầu việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, phải rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất; bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật

Nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung, thể hiện trong Nghị quyết quan điểm xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật nhưng có sơ hở dẫn đến sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cản trở sự phát triển của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội là xác đáng, phù hợp với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Do đó, yêu cầu này được bổ sung vào dự thảo nghị quyết theo hướng tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sơ hở, sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng Đề án Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật để trình Bộ Chính trị.

Về dự kiến chương trình, ông Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những nội dung lớn của các dự án luật.

Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của luật như hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

Do chuyển đổi giới tính là vấn đề mới và khó, nội dung điều chỉnh tác động đến nhiều khía cạnh xã hội, liên quan tới nhiều văn bản luật khác, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tiến độ trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 8.