CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2019 với doanh thu hợp nhất đạt gần 69 ngàn tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,7  ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 37%.

Đây là một kết quả khá tích cực bất chấp doanh nghiêp này gần đây gặp khá nhiều vận đen, từ sự cố tin đồn rò rỉ thông tin khách hàng cho tới hàng tồn kho của liên quan tới các sản phẩm lùm xùm Huawei, Asanzo.

Hồi cuối 2018, đại gia Nguyễn Đức Tài cũng đã “ngậm ngùi” đóng cửa trang web VuiVui.com, dừng cuộc chơi thương mại điện tử vốn là một chiến trường "đốt tiền" vô cùng khốc liệt cho dù trước đó ông Tài từng tuyên bố mảng này sẽ vượt cả TGDĐ và Điện Máy Xanh.

Với kết quả tích cực, MWG đã thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch LNST cả năm. Giá cổ phiếu cũng tăng mạnh, từ mức 80 ngàn đồng/cp cách đây 6 tháng lên mức 126.500 đồng/cp, tương đương mức tăng 58%. 

{keywords}
Kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Giá trị vốn hóa của Thế giới Di động đạt 56 ngàn tỷ đồng (2,4 tỷ USD). Khối tài sản của riêng ông Nguyễn Đức Tài lên sát ngưỡng 8 ngàn tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi đại gia Nam Định đưa cổ phiếu lên sàn hồi năm 2014.

MWG gần đây đối mặt với khá nhiều khó khăn, trong đó có sự suy giảm tăng trưởng tiêu thụ điện thoại di động. Doanh nghiệp này thậm chí phải đẩy mạnh bán nồi niêu xoong chảo, đẩy hàng hóa ra bên ngoài cửa hàng để dễ bán. MWG cũng khai thác thêm mảng bán đồng hồ để bổ sung thêm vào doanh thu.

{keywords}
 

MWG của ông Tài đang đẩy mạnh mở rộng các chuỗi bán lẻ trong một cuộc đua cạnh tranh đầy khốc liệt với nhiều tập đoàn nội ngoại, trong đó có mảng bán lẻ của Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Gần đây, Vingroup của ông Vượng mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua hoạt động mở mới cũng như thâu tóm thêm các chuỗi cửa hàng trong và ngoài nước. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 8, Vinmart thâu tóm chuỗi 8 siêu thị Queenland Mart ở 2 quận “nhà giàu” của TP.HCM nâng tổng số điểm bán VinMart lên 120. Tính cả VinMart+, Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị lên tới 2.122 điểm bán.

Đây là thời điểm bước ngoặt để các tập đoàn mở rộng mạng lưới bán lẻ xác lập vị thế ở thị trường trong nước. Mảng bán lẻ của Vingroup vừa được rót 500 triệu USD từ Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC).

Nhiều nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam cũng đang mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực. FPT Retail khẳng định chuỗi nhà thuốc Long Châu là động lực phát triển của công ty này trong vài năm tới, trong khi công ty phân phối hàng công nghệ Digiworld cũng đang tấn công sang mảng dược phẩm. Về tương lai, bên cạnh dược phẩm, các ông lớn sẽ khai thác mảng ngành thực phẩm chức năng đầy tiềm năng. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Tài.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thậm chí còn dấn sâu vào cuộc chiến bán lẻ với cuộc chơi không gian ảo với siêu thị ảo VinMart (Virtual Store), mở ở nhiều nơi, cả ở trên mạng lẫn trên đời thực, cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go.

Hầu hết các cổ phiếu bán lẻ tăng giá trên TTCK thời gian gần đây, đi ngược với xu hướng chung trên thị trường. Tuy nhiên, mảng kinh doanh đầy tiềm năng này cũng rất khốc liệt, nhiều đại gia bán lẻ ngoại và nội đã phải rút khỏi cuộc chơi hoặc vẫn đang đốt tiền như trường hợp: Auchan của Pháp, Shop&Go, hay trước đó như Maximart, Citimart, Fivimart…

Rủi ro còn là ở việc chăm sóc khách hàng để giữ uy  tín và các chi phí đi kèm cũng là điều mà các chuỗi bán lẻ đang phải dày công xây dựng.

Thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 23/9 VN-Index giảm điểm do nhiều cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh.

Các cổ phiếu trụ cột giảm giá gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, TPBank…

Các cổ phiếu tăng điểm gồm: GAS, Vinamilk, Petrolimex…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy quanh mức 980 (+/-5 điểm). Đồng thời, nếu áp lực điều chỉnh còn tiếp diễn trong phiên kế tiếp thì nhiều khả năng dòng tiền bắt đáy có thể sẽ gia tăng trong phiên tới. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại và biến động thị trường đang suy yếu cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế nên hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục tăng dần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9, VN-Index giảm 4,61 điểm xuống 985,75 điểm; HNX-Index tăng 0,24 điểm lên 104,38 điểm và Upcom-Index giảm 0,28 điểm điểm xuống 56,69 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 5,7 ngàn tỷ đồng.

V. Hà