Năm học 2016-2017, số lượng giáo viên (GV) mầm non tăng 26.661 người so với năm học trước. Tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang diễn ra ở các địa phương.

Vẫn thừa thiếu cục bộ ở các địa phương

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong năm học vừa qua chủ yếu là thừa GV THCS, trong khi đó, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là GV dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Mỹ thuật…

Cụ thể, trong năm qua, toàn ngành có 500.327 GV, cán bộ giáo dục mầm non. 

Trong đó, số lượng giáo viên mầm non là 344.994, tăng 26.661 người so với năm học trước.

{keywords}
Giáo viên, giảng viên ở các cấp học năm 2016-2017 so với năm học 2015-2016. Nguồn: Bộ GD-ĐT.

Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,8 (tăng 0,04%). 

Một số địa phương có tỉ lệ giáo viên/lớp khá cao như: Hà Nội (2,32), Hải Phòng (2,14), Phú Thọ (2,08), Huế (2,05), Ninh Bình (2,01), Bình Phước, Nam Định (2,0). 

Số lượng cán bộ, GV mầm non trong biên chế là 55,5%, giảm 2,2% so với năm trước.

Tuy vậy, báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định, tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học mầm non vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều địa phương tỉ lệ GV/lớp rất thấp, chưa đạt yêu cầu như (An Giang: 1,28, Sơn La: 1,31, Hà Giang 1,32, Lai Châu: 1,34, Hưng Yên: 1,35, Gia Lai 1,38 ….).

Bên cạnh đó, năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thậm chí gây mất an toàn cho trẻ, ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ nhà giáo.

Ở các cấp học khác, trong khi số lượng GV cấp tiểu học và THPT không thay đổi nhiều so với năm trước thì ở cấp THCS số lượng GV trong năm học vừa qua đã giảm. 

Cụ thể, năm học 2015-2016 cả nước có 313.526 GV thì đến năm học 2016-2017 cả nước có 308961 GV, giảm hơn 4.000 GV.

Bên cạnh đó, theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng quy định; tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định... gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội .

Trước đó, trong báo cáo tổng kết học kỳ 1 năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện cả nước dôi dư là 26.750 GV, trong đó: Cấp tiểu học là 3.194, cấp THCS là 21.005 và THPT 2.551. Trong khi đó, tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058. Trong đó, cấp mầm non là 32.641, cấp tiểu học là 7.824, cấp THCS: 2.799 và THPT là 1.794.

Thiếu trường lớp ở cấp mầm non

Theo Bộ GD-ĐT, mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong năm 2017 tăng về số lượng so với năm 2016 (tăng 0,6%). Trong đó, chủ yếu tập trung vào giáo dục mầm non, tăng 2,3% so với năm 2016.

Số trường TH, THCS và THPT tiếp tục giảm. So với năm học 2015-2016, cấp tiểu học giảm 202 trường, THCS giảm 107 trường, THPT giảm 8 trường.

Tuy vậy, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt là đối với cấp học mầm non.

{keywords}
Số trường học năm học 2016-2017 so với năm học 2015-2016. Nguồn: Bộ GD-ĐT.

Theo đó, một số khu đô thị, khu công nghiệp vẫn thiếu trường lớp, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động. Ở vùng núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm học vừa qua, còn 90 đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non; một số tỉnh có có tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp: Trà Vinh (4,7%), Cà Mau (5,1%), An Giang (5,7%), Kiên Giang (6,9%).

Cả nước còn 7.852 phòng học tạm và 6.249 phòng học nhờ, mượn, nhiều nơi thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày. 18,4% nhóm/lớp chưa có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, do đó việc thực hiện, bảo đảm chất lượng Chương trình GDMN tại những vùng này còn hạn chế.

Ở một số địa phương tỉ lệ trường mầm non chuẩn quốc gia còn rất thấp nhưng trong năm học không xây dựng thêm được trường chuẩn quốc gia: Ninh Thuận (10%), Trà Vinh (8,2%).

Cả nước còn 60 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một số địa phương đạt chuẩn nhưng chưa đảm bảo sự bền vững. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền.

Ở cả cấp học mầm non và cấp học phổ thông, sĩ số học sinh mầm non, phổ thông/lớp ở một số địa phương còn cao so với quy định.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 hoặc năm 2030. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo ở các địa phương chủ yếu là quy hoạch theo không gian mà chưa chú trọng đến quy hoạch phát triển các nguồn lực, điều kiện đảm bảo chất lượng, dẫn đến tình trạng bị động trong thực hiện quy hoạch và có nơi còn gây lãng phí.

Mô hình trường học mới VNEN còn hạn chế, bất cập

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2016 - 2017, cả nước có 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh (tỉ lệ 19,8%) thực hiện theo mô hình trường học mới.

Đối với những địa phương, cơ sở giáo dục tiểu học đáp ứng tốt các điều kiện đảm bảo đã triển khai hiệu quả phương thức dạy học theo mô hình trường học mới. Những đơn vị thực hiện tốt: Lào Cai, Điện Biên, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ, Kon Tum...

Tuy nhiên trong năm học vừa qua, việc triển khai mô hình trường học mới vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, nhất là công tác tập huấn giáo viên chưa đảm bảo chất lượng, giáo viên chưa thật sự sẵn sàng và đồng thuận nên kết quả chưa đạt được như mong muốn.

Bên cạnh đó công tác truyền thông chưa tốt, đây là một trong những nguyên nhân làm cho phụ huynh học sinh, dư luận xã hội và ngay cả một số CBQL và giáo viên cũng chưa nhận thức đầy đủ về mô hình trường học mới.

Thời gian gần đây dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều gây bất lợi, làm cho nhiều người hoài nghi về kết quả đạt được của mô hình trường học mới.

Lê Văn