Lưu ý về các cuộc “tấn công về mặt thông tin”, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT cho rằng, trên không gian mạng bên cạnh những cuộc tấn công về mặt kỹ thuật, gần đây có khái niệm “tấn công về mặt thông tin” - đó là khi các thông tin tiêu cực được các đối tượng tổ chức thành các cuộc chiến tranh thông tin, tấn công thông tin nhằm định hướng, kích động dư luận.
Trong bối cảnh đó, cùng với việc giám sát, phòng chống những cuộc tấn công mạng về mặt kỹ thuật, các địa phương, các Sở TT&TT cũng cần có công cụ, phương tiện để giám sát những xu hướng thông tin nóng, đặc biệt là xu hướng thông tin nóng về tình hình trên địa bàn của địa phương mình.
“Các địa phương có thể sử dụng chung, tối ưu trong 1 hạ tầng kỹ thuật là Trung tâm giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng của địa phương để thực hiện giám sát cả về mặt kỹ thuật cũng như giám sát về thông tin, nhận biết được những xu hướng thông tin công khai trên không gian mạng”, đại diện Cục An toàn thông tin đề xuất.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, mong muốn của cơ quan này trong 2 năm tới là sẽ hình thành được những Trung tâm giám sát an toàn mạng (SOC) của các địa phương (Ảnh minh họa) |
Người đứng đầu Cục An toàn thông tin cũng cho biết thêm, mong muốn của Cục trong 2 năm tới là sẽ hình thành được những Trung tâm giám sát an toàn mạng (SOC) của các địa phương. Trung tâm đó có thể do địa phương tự đầu tư, xây dựng nếu có nguồn lực hoặc được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp. Cục An toàn thông tin khuyến khích đại đa số các địa phương nên lựa chọn phương án thuê dịch vụ của các doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Phân tích rõ hơn về những lợi ích khi thiết lập, đưa vào vận hành các Trung tâm giám sát an toàn mạng của địa phương, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay, các Trung tâm SOC ở địa phương được hình thành và chia sẻ thông tin thường xuyên, liên tục trực tiếp về Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Qua đó, hình thành nên một hệ thống kỹ thuật xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; bên cạnh đó cũng hình thành nên một đội ngũ chuyên trách từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là có sự tham gia của các đội ngũ chuyên gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin để sao cho khi chúng ta triển khai dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng thì đồng thời thị trường an toàn, an ninh mạng cũng được mở rộng và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này không ngừng được nâng cao.
“Như thế, chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa tính linh hoạt, chủ động và sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công mạng của mỗi cơ quan, tổ chức và của quốc gia nói chung”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Trước đó, theo Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT, trong phát biểu kết luận hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2019 của Bộ hồi giữa tháng 6, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ cùng lãnh đạo của 63 Sở TT&TT trên cả nước việc TP.HCM chính thức đưa vào hoạt động mô hình Trung tâm báo chí của thành phố, đây cũng là trung tâm chức năng đầu tiên trên cả nước thực hiện việc cung cấp dịch vụ liên quan đến các hoạt động báo chí tại địa phương. Bộ trưởng cho rằng, mỗi một tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lớn nên có một trung tâm báo chí theo mô hình của TP.HCM.
Còn các tỉnh nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra đề xuất về việc hình thành nên các Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng. Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin phối hợp với các Sở TT&TT hỗ trợ các tỉnh,thành phố xây dựng Trung tâm điều hành an toàn, an ninh thông tin của địa phương.
Trung tuần tháng 5/2019, với sự hỗ trợ của Công ty BKAV, tỉnh Thái Bình đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm điều hành an ninh mạng của tỉnh. Đây được xem như mô hình kiểu mẫu đầu tiên về đảm bảo an ninh mạng mà các địa phương khác có thể tham khảo để có thể chủ động theo dõi, giám sát những nguy cơ, rủi ro 24/7, từ đó phát hiện sớm các lỗ hổng, các cuộc tấn công để chủ động ứng phó.