Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc: “Ta lắng nghe tiếng gọi của ông cha trong tiếng gọi của Hồ Chủ tịch”[1]. 

Những chữ vàng “bất hủ” 

Nếu như Bình Ngô đại cáo (năm 1428) của Nguyễn Trãi ghi dấu ấn về khí phách, niềm tự hào dân tộc trong những thế kỷ đầu tiên của sự nghiệp xây dựng quốc gia tự chủ thì Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là áng “Thiên cổ hùng văn” hừng hực khí thế cách mạng tiến công trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc.

Chỉ vọn vẹn 1021 từ (gồm cả tiêu đề), bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là một văn bản rất đặc biệt. Nó đặc biệt ở nhiều lẽ. Trước hết, trên thế giới, khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, hàng loạt dân tộc thuộc địa đã vùng dậy giành quyền độc lập, tự chủ nhưng không phải đất nước nào cũng có Tuyên ngôn Độc lập như Việt Nam. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Ở Việt Nam, trong hoàn cảnh quyền lợi phức tạp đan cài, ràng buộc lẫn nhau giữa các thế lực thù địch lúc bấy giờ, Tuyên ngôn Độc lập nhằm hướng đến những đối tượng khác nhau: Đồng bào cả nước, nhân dân thế giới và những thế lực thù địch và cơ hội quốc tế (Pháp và Mỹ) đang có âm mưu xâm lược nước ta. 

Vì hướng đến những đối tượng khác nhau nên Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 cũng nhằm những mục đích khác nhau: Tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập; cảnh cáo dã tâm xâm lược Việt Nam của Pháp và Mỹ; kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ quốc tế; bày tỏ ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam, quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền độc lập vừa giành được. 

Chính vì thế, Tuyên ngôn cần một cơ sở pháp lý quốc tế và cơ sở thực tiễn vững chắc. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những chữ vàng “bất hủ” trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp.

"Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 17913 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. 

Câu “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” được ngắt xuống dòng, đặt riêng một đoạn tạo nên một ấn tượng cảm nhận và giá trị khẳng định cao hơn hẳn. Thủ pháp nghệ thuật này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng tinh tế, chặt chẽ, linh hoạt trong tư duy và thiên tài về mặt lý luận trong việc lấy “những lẽ phải không ai chối cãi được” để bảo vệ “những lẽ phải” cho bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, trong đó có dân tộc Việt Nam. 

Niềm tự hào dân tộc của Người được thể hiện ở chỗ Người đã đặt quyền con người của nhân dân Việt Nam ngang hàng với quyền con người của nhân dân các nước lớn như Pháp và Mỹ; đặt ba cuộc cách mạng ngang nhau, ba nền độc lập ngang nhau, ba bản Tuyên ngôn độc lập ngang nhau. 

Kết tinh, sáng ngời qua từng câu chữ

Ngược lại dòng lịch sử, khi viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng tự hào khẳng định: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. 

Rõ ràng, dù giữa hai bản Tuyên ngôn Độc lập là khoảng cách hơn 500 năm lịch sử, nhưng chúng ta đều nhận thấy ý thức, niềm tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân được kết tinh, sáng ngời qua từng câu chữ.

Được suy ngẫm và viết ra bởi Hồ Chí Minh - người chiến sĩ hàng đầu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc “sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương”([2]), tư tưởng chủ đạo, nổi bật trong Tuyên ngôn Độc lập là Độc lập - Tự do. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết văn bản trong một sự hào sảng cao độ, các cảm xúc như trào lên ngọn bút quanh hai từ Độc lập và Tự do. Có những câu văn Người chủ đích sử dụng điệp ngữ, tạo nên nhịp điệu hùng hồn, làm cho sức lan tỏa của văn bản rộng hơn, người đọc dễ nhập tâm và hiệu ứng ngữ nghĩa cũng cao hơn. 

Ví như câu: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Để tuyên bố được trước cộng đồng thế giới những câu như thế, dân tộc Việt Nam chúng ta đã phải hy sinh biết bao thế hệ ưu tú của mình, và những câu như thế cũng đã cổ vũ biết bao nhiêu thế hệ ưu tú tiếp nối theo sau, quyết tâm giữ vững nền độc lập mà ông cha đã giành được. 

Sau khi trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới về các quyền của nước Việt Nam được hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập, nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. 

Lời khẳng định đanh thép của vị lãnh tụ tối cao thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được. Ta như thấy lại hình ảnh những ngày tháng Tám chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, khi bị ốm nặng tưởng không thể qua khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tràn đầy quyết tâm, ý chí, sức mạnh nói với các đồng chí ở cạnh Người: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. 

Không có gì quý hơn độc lập tự do” - tư tưởng lớn thấu suốt toàn bộ bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý, tạo nên một động lực vĩ đại cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững và phát triển quyền tự do và độc lập. 

Ngày Chính phủ Pháp lật lọng cho quân đội xâm lấn, toàn quốc phải kháng chiến để giữ vững nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Khi đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang ném bom miền Bắc và đưa quân ồ ạt vào miền Nam, Người nêu lên chân lý bất diệt: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 

Với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong muôn triệu người Việt Nam nung nấu soi đường, dẫn lối; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta đã đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử, để lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 

Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất Việt Nam anh hùng.

 [1] Bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng tặng đồng bào và chiến sĩ miền Nam Việt Nam, tháng 8-1948, in trong sách: Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Phạm Văn Đồng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr.7-31

[2] Trích theo sách: Những năm tháng không thể nào quên, Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân và NXB Thông tin lý luận xuất bản năm 1990

Tuyên ngôn độc lập và hướng đi của thời đại

Tuyên ngôn độc lập và hướng đi của thời đại

"Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng" sẽ chống lại quyết liệt, và sẽ là lực cản ghê gớm cho sự xuất hiện "những cái mới mẻ, tốt tươi". Cho nên, dân chủ và tự do không thể là ân huệ được ban phát mà là phải đấu tranh.