Đúng 7h30, bà Tamiko cầm chổi và xẻng quét rác, bắt đầu công việc quét dọn bên trong nhà hàng. Đi lại nhanh nhẹn, vững vàng khi đã ở tuổi 90, bà Tamiko còn đảm nhận việc gom rác ở rãnh nước và các lối đi.

Mỗi ngày, cụ bà làm việc 3 tiếng.

Tài sản quý giá của cụ bà làm việc đến 90 tuổi, không chịu nghỉ hưu - 1

Bà Tamiko làm việc tại cửa hàng McDonald's trong suốt 23 năm. Ảnh: ESSEonline

"Dù khỏe mạnh, hoạt động thường xuyên, tôi vẫn không giấu được chứng đau lưng mấy ngày qua", bà cười.

Bà Tamiko chia sẻ với các khách hàng lớn tuổi rằng bà luôn muốn làm việc nhiều hơn. Vào thời gian rảnh, bà thường trò chuyện với đồng nghiệp trẻ tuổi, mời họ uống cà phê và ăn món bánh hẹ Nhật mà bà tự làm.

Trong 3.000 cửa hàng McDonald's, bà là nhân viên lớn tuổi nhất vẫn còn làm việc. Ở tuổi này, bà không đồng ý nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc. Đối với Tamiko, có một thứ "tài sản" đáng quý mà bà đã tích cóp được cho đến ngày nay.

Nơi làm việc cách nhà 20 phút đi xe buýt. Hằng tuần, bà Tamiko chỉ làm việc 5 ngày, được nghỉ thứ tư, chủ nhật.

Tài sản quý giá của cụ bà làm việc đến 90 tuổi, không chịu nghỉ hưu - 2

Làm việc tích cực, cụ bà 90 tuổi luôn lan tỏa năng lượng tích cực tới đồng nghiệp, thực khách. Ảnh: Keiko Yamaguchi

Quản lý nhà hàng, Hiromi Ushijima (51 tuổi) cho biết, cô cùng thế hệ với cháu của bà Tamiko. "Tôi luôn có cảm giác nhẹ nhõm khi nghe bà nói 'chào buổi sáng' mỗi ngày. Năng lượng của bà còn tiếp thêm sự tích cực cho những người xung quanh. Sự hiện diện của bà là không thể thiếu đối với doanh nghiệp", Ushijima nói với lòng biết ơn.

Bà Tamiko lớn lên trong thời chiến. Tuổi thơ của bà gắn liền với những bữa ăn chỉ có khoai lang, khoai môn. 

Trải qua hàng chục năm, bà Tamiko nhận ra sức lao động chính là "tài sản" quý giá nhất. Ở độ tuổi của bà, nhiều người mắc chứng mất trí nhớ khiến việc sinh hoạt, tương tác trở nên khó khăn.

Nhưng Tamiko chưa từng vắng mặt ở nơi làm vì bệnh tật. Bà lúc nào cũng sôi nổi nhờ vào biểu hiện hăng hái làm việc, trò chuyện với những người xung quanh. Ngay cả dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng đến bà.

"Chúng ta đang sống trong thời đại tiện lợi, với đủ loại thực phẩm có sẵn, chỉ cần một nút bấm là có. Tôi từng trải qua những thời kỳ khó khăn nên tôi cảm nhận sâu sắc về giá trị của mọi thứ", cụ bà bộc bạch.

viec lam.png
Bà Tamiko trân trọng sức lao động - thứ "tài sản" quý giá nhất của bà. Ảnh: Keiko Yamaguchi

Từng là điều dưỡng tại bệnh viện ở TP Kumamoto trong nhiều năm, bà Tamiko bắt buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 61.

Tamiko tiếp tục xin làm lao công cho một trường đại học trong nhiều năm, cho đến khi cơ sở này lại quy định độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 67 tuổi. Ngay sau đó, thay vì an hưởng tuổi già, bà Tamiko lên kế hoạch quay trở lại làm việc.

Một ngày, con gái bà mang đến thông báo rằng nhà hàng McDonald's đang tuyển dụng, "chào đón mọi lứa tuổi". Bà Tamiko đã không ngần ngại ứng tuyển. Tuổi đã cao, thính giác, thị lực giảm sút khiến bà không thể theo đuổi sở thích may vá nên công việc lại càng trở thành nguồn cảm hứng.

11 năm sau, con gái bà qua đời vì bệnh ung thư. Kể từ đó, trước khi đến nơi làm việc mà con gái từng giới thiệu cho mình, bà luôn nhìn vào di ảnh con, nói lời quyết tâm: "Mẹ đi làm đây!".

Theo số liệu về dân số già năm 2023 của Nhật Bản, có đến 9,27 triệu người lao động trên 65 tuổi, chiếm 13,4% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên.

Báo cáo từ một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy có 36,7% người cao tuổi ở nước này có ý định tiếp tục làm việc càng lâu càng tốt.

Ở độ tuổi 75-80, có hơn 60% người cao tuổi đang đi làm muốn được làm việc nhiều hơn. Xét về động lực, có gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ cần thêm thu nhập, 23,5% cho biết đó là vì sức khỏe; 21,9% thấy công việc thú vị hoặc muốn áp dụng kiến thức vào thực tế; 4,4% mong muốn có thêm bạn bè.

Theo Dân trí