Bà Victoria Kwakwa, nguyên giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam đã nhìn thấy một bức tranh Việt Nam ngày càng tích cực hơn nhưng vẫn còn lo ngại về nhiều vấn đề.
Trong buổi gặp gỡ cuối cùng với báo giới Việt Nam, vị phó Chủ tịch WB trăn trở rất nhiều về Việt Nam. Theo đó, trong hiện tại, đã có những chuyển biến đáng mừng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những điều còn tồn tại từ kinh tế vĩ mô cho tới vấn đề môi trường và hội nhập trong tương lai.
Bắt đầu đảm nhiệm giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam từ 4/2009, bà Victoria Kwakwa đã có 7 năm làm việc với chính phủ, các bộ ngành cho tới địa phương, doanh nghiệp, người dân và báo chí Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa trong lần tiếp chuyện với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
“Khi tôi mới đến đây, hầu hết trong các cuộc phỏng vấn báo chỉ đều hỏi WB nhìn nhận như thế nào về hiệu quả của những đồng vốn mà WB bỏ ra. Nhưng giờ đây, các câu hỏi mở rộng ra rất nhiều vấn đề: từ vĩ mô tới vi mô, từ vấn đề môi trường cho tới xã hội, đời sống con người. Đây là một tín hiệu tốt”, bà Kwakwa chia sẻ.
Cảm nhận về một quãng thời gian gắn bó đã qua, bà Kwakwa nói: “Nhìn tổng quát, có nhiều thứ tích cực, nhưng vẫn còn những vấn đề cũ mà chúng ta chưa hoàn thành. Có nhiều điều tốt. Nhưng chúng ta không được dừng lại ở đó, quá khứ tốt đẹp không đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp”.
“Trong 5-7 năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực để cải thiện vĩ mô. Trước đây, vĩ mô rất gập ghềnh, nhưng 2-3 năm gần đây khá bình ổn, trước kia tăng trưởng nhanh và nóng rồi tụt xuống, rồi lại tăng trưởng nóng. Cán cân thương mại không được cân bằng, dự trữ thấp, nhưng 3 năm qua ổn định tốt: lạm phát thấp, cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ tăng lên, tỷ giá ổn định, lãi suất thấp hơn, đảm bảo sự ổn định cho kinh tế Việt Nam phát triển”.
Tuy nhiên, bà Kwakwa cũng cảnh báo rằng: “Vĩ mô đã tương đối ổn định, nhưng các vấn đề như thâm hụt ngân sách, nợ công cao phải được theo dõi sát sao và dự trữ ngoại hối cần được tăng cao lên nữa. Bình ổn kinh tế vĩ mô rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Một vấn đề bà Kwakwa rất quan tâm là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
“Chúng ta cần phải xác định, tư nhân là khu vực tăng trưởng dẫn dắt, phải là thành phần kinh tế chủ đạo. Năm sáu năm trước Việt Nam tập trung hỗ trợ khu vực FDI. Tuy nhiên cần nhận thấy rằng phải hỗ trợ khu vực DN tư nhân. Họ cần được có được môi trường kinh doanh tốt, bình đẳng, được dễ tiếp cận với các nguồn lực…”
Theo bà Kwakwa, khu vực kinh tế tư nhân VN có nhiều tiềm năng. Người VN có tinh thần khởi nghiệp cao, có nhiều ý tưởng, có nhiều cách làm kinh doanh khác nhau.
“Tuy nhiên, cũng buồn là chưa có nhiều DN tư nhân lớn mạnh. Phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ. Số liệu của VCCI cho thấy đáng nhẽ ngày càng nhiều DN lớn thì xu hướng lại ngược lại, số lượng DN quy mô nhỏ tăng lên, không phải là DN trung bình, lớn. Điều này cho thấy, tinh thần khởi nghiệp chưa được phát huy triệt để. Đây là thử thách lớn khi tham gia vào TPP, AEC… và là một vấn đề lớn về môi trường kinh doanh”, bà Kwakwa chia sẻ.
Vì thế, bà Kwakwa lưu ý, DN tư nhân lớn nhỏ cần bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, mới biến tiềm năng thành hiện thực.
Nói về tương lai, theo bà Kwakwa, vấn đề môi trường khí hậu là thách thức rất lớn. Trở ngại lớn nhất là làm như thế nào để có phương pháp tiếp cận tổng hợp và điều phối tốt hơn nữa. Sự ứng xử hiện nay giữa tình ngành, địa phương, bộ, trung ương…. chưa có sự kết nối tốt. Phải quản lý mang tính cả khu vực, chứ không thể ứng xử riêng lẻ theo từng địa phương.
Tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, số lượng người giàu có tăng nhanh nhưng trái lại điều lo lắng là có một lớp người sẽ bị gạt sang bên lề của sự phát triển, không được tiếp cần với y tế căn bản, giáo dục cơ bản… Bên cạnh đó, bà Kwakwa cũng đề cập tới vấn đề Việt Nam cần cải cách hệ thống lương hưu để đảm bảo trong tương lai nhiều người già hơn nhưng người già không nghèo đi.
Về vấn đề hội nhập trên thế giới, theo bà Kwakwa, là tốt cho nhiều người, nhưng cũng ảnh hưởng tới một số nhóm. Nếu nhóm lớn không được hưởng lợi, họ có thể tạo ra phản ứng tiêu cực đối với hội nhập. Vì vậy, với TPP, AEC… điều quan trọng là làm như thế nào để các nhóm lớn nhỏ ở Việt Nam có thể được hưởng lợi. Làm như thế nào đầu tư vào kỹ năng của người lao động để họ có thể cạnh tranh trong tương lai khi thị trường mở ra.
M. Hà