Tăng lãi suất để ổn định tỷ giá

Trong buổi họp báo quý III/2022 sáng 23/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã cố gắng điều hành để đồng VND ổn định, từ đó, có thể kiềm chế lạm phát.

Buổi họp diễn ra trong bối cảnh, NHNN quyết định tăng hầu hết lãi suất điều hành thêm 100 điểm phần trăm (tái cấp vốn lên 5%/năm, tái chiết khấu lên 3,5%... ) từ ngày 23/9, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt ở mức mạnh chưa từng có trong 40 năm qua, khiến hàng chục đồng tiền chủ chốt trên thế giới rớt xuống đáy 10-20-40 năm (so với USD).

Giải thích về lý do NHNN quyết định tăng mạnh lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, điều kiện kinh tế thời điểm hiện nay khác xa so với năm 2021. Do vậy, NHNN nhận thấy nếu để mặt bằng lãi suất ổn định ở mức khá lâu (từ 1/10/2020) sẽ gây áp lực rất lớn đến tỷ giá, dẫn tới những bất ổn vĩ mô khác.

Do đó, NHNN cho rằng cần điều chỉnh lãi suất để hóa giải các cú sốc và tâm lý kỳ vọng lạm phát trong dân chúng, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát Chính phủ đặt ra cho năm 2022 và 2023.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo ông Phạm Chí Quang, Việt Nam đối mặt với áp lực nhập khẩu lạm phát lớn do doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập siêu, chỉ có khối FDI xuất siêu. Độ mở của nền kinh tế rất cao với tổng kim ngạch xuất nhập lên tới gần 190% so với GDP. Nhập khẩu của Việt Nam rất lớn và phụ thuộc nhiều vào hàng hóa là các nguyên liệu đầu vào.

Áp lực lạm phát đối với Việt Nam là rất lớn. Do vậy, việc để đồng tiền VND mất giá nhiều sẽ tác động rất mạnh đến nhập khẩu, từ đó sẽ tác động đến mặt bằng giá trong nước.

Ông Quang cho biết, điều hành chính sách tiền tệ là điều hành bộ các công cụ, có tính chất liên kết chặt chẽ với nhau. Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là ổn định, kiểm soát lạm phát. Mục tiêu này của NHNN xuyên suốt nhiều năm qua. 

Đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ thông tin, thời gian qua, NHNN đã cố gắng điều hành làm sao để cho VND giữ được giá trị ổn định theo đúng nguyên lý mà Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đề cập và đúng với luật định đề ra là ổn định giá trị đồng tiền. Từ đó, có thể ổn định được lạm phát.

Nhưng về nguyên lý kinh tế, cùng một lúc không thể đồng thời ổn định lãi suất và tỷ giá. Đây là điều bất khả thi, không thể làm được.

Theo ông Quang, chính vì thế, tất cả các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới buộc phải nâng lãi suất, đảm bảo cho tỷ giá không biến động quá lớn và hạn chế lạm phát nhập khẩu khi Fed tăng nhanh và mạnh lãi suất đồng USD. Đây cũng là trường hợp của Việt Nam.

Hơn thế, thế giới đối mặt với một cú sốc rất lớn nữa. Đó là cuộc chiến của Nga-Ukraine, dẫn đến giá dầu trên thế giới bùng phát, đổ thêm dầu vào trào lưu tăng lạm phát trên toàn cầu.

NHNN đã duy trì được tỷ giá chỉ giảm nhẹ khoảng 4% trong tương quan với sự sụt giảm giá của rất nhiều đồng tiền khác.

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay, kiểm soát tín dụng

Ngay sau khi NHNN có quyết định tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động lên mức tối đa cho phép, ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Ở một số kỳ hạn dài, lãi suất đã vượt ngưỡng 7%/năm.

Về phía NHNN, ông Phạm Chí Quang cho biết, thời gian tới sẽ nỗ lực giảm lãi suất cho vay. Theo đại diện NHNN, trong Nghị quyết 43 trình Quốc hội, cơ quan này đưa ra cụm từ “phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%”, chứ không thể khẳng định giảm được mức như vậy. 

Để thực hiện điều này, NHNN đã thực hiện đồng bộ rất nhiều công cụ, trong đó có việc điều hành thanh khoản, có việc chia sẻ áp lực lãi suất đối với tỷ giá, cũng như điều hành làm sao cho tỷ giá chia sẻ áp lực đối với lãi suất.

Lãi suất tiền gửi tăng lên, dòng tiền có thể đổ vào các ngân hàng. (BĐ: M. Hà)

Đồng thời, NHNN liên tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động và giảm lãi suất để chia sẻ những khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Tới đây, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành theo hướng này.

Về room tín dụng, đây là vấn đề được dư luận trong và ngoài hệ thóng ngân hàng quan tâm. 

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 (ngày 18/9), Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà thừa nhận đây là biện pháp hành chính, nhưng ông cho rằng giải pháp này vẫn thể hiện hiệu quả trong ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát.

NHNN đã có một cuộc họp kéo dài 7 tiếng với sự tham gia của tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD). Mục tiêu là để ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; giữ vững sự ổn định của hệ thống; hỗ trợ cho các TCTD phát triển khách hàng một cách phù hợp.

Trong định hướng tương lai, NHNN khẳng định việc điều hành room tín dụng là rất linh hoạt, bám sát điều kiện thị trường đúng như tinh thần của chỉ thị 01 của NHNN ngay từ đầu năm. Với điều kiện thị trường cho phép, trường hợp nếu lạm phát trong tầm kiểm soát, không chỉ trong 2022 mà các năm tới, NHNN hoàn toàn có thể sẽ xem xét điều chỉnh room tín dụng cho phù hợp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với áp lực lạm phát rất lớn, NHNN vẫn kiên định duy trì điều hành room tín dụng ở ngưỡng 14% để đảm bảo không chỉ kiểm soát được lạm phát năm 2022 mà còn kiểm soát được lạm phát của năm 2023 trong bối cảnh lạm phát toàn cầu còn bất trắc khó lường.

NHNN nói gì sau quyết định tăng mạnh lãi suất?Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay sẽ tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng như bất động sản, chứng khoán; tiếp tục kiểm soát việc kinh doanh, mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.