Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của nhiều nước Trung Đông, trong đó có ba nước trong hành trình của ông Tập. 

Kể từ khi lên lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, Tập Cận Bình đã trở nên tất bật với những chuyến công du quốc tế. Năm ngoái, ông Tập đến thăm nhiều quốc gia hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama (14 so với 11), công du khắp nơi từ Mỹ đến Maldives và Zimbabwe, bất kể nước chủ nhà lớn mạnh, nhỏ yếu hay cô lập tới nhường nào.

Mục đích của ông Tập là phô trương sức mạnh ngày một lớn của Trung Quốc và vai trò trung tâm của chính ông trong việc thúc đẩy điều đó tới người dân trong và ngoài nước. Nhưng mãi đến tuần vừa qua ông mới đặt chân đến Trung Đông với tư cách là chủ tịch Trung Quốc.

Chuyến công du diễn ra khi số báo The Economist này được ấn hành, bắt đầu từ Ả-rập Xê-út và sau đó là Ai Cập và Iran. Chuyến thăm này đáng lẽ cần tiến hành sớm hơn. Chưa có Chủ tịch Trung Quốc nào đến thăm khu vực này từ năm 2009. Họ lo ngại bị dính líu vào những tranh chấp dai dẳng tại đây. Nhưng Trung Quốc có lợi ích lớn ở Trung Đông. Đây là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhập hơn một nửa số dầu thô của mình từ khu vực này.

{keywords}

Tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Ả-rập Xê-út.

Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của nhiều nước Trung Đông, trong đó có ba nước trong hành trình của ông Tập. “Con đường tơ lụa mới” được tung hô rầm rộ của chủ tịch Tập Cận Bình, nối liền Trung Quốc và châu Âu thông qua cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, chạy xuyên qua khu vực Trung Đông. Tại đây, các công ty Trung Quốc đã triển khai xây dựng các đường cao tốc và bến cảng.

Hành trình của ông Tập diễn ra vào thời điểm nan giải. Căng thẳng giữa Ả-rập Xê-út và Iran đang rất cao sau khi Ả-rập Xê-út hành quyết một giáo sĩ dòng Shia hồi đầu tháng và những người Iran phẫn nộ đã phản ứng bằng việc đột nhập tấn công Đại sứ quán Ả-rập Xê-út ở Tehran. Nhưng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran ngày 16/1 tạo điều kiện để ông Tập thể hiện sự công bằng khi đến thăm cả hai nước mà không làm mất lòng các cường quốc phương Tây.

Cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập muốn giới thiệu Trung Quốc như một quốc gia ủng hộ hòa bình và không can thiệp (Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn quốc gia Trung Quốc, cho biết trong tuần này rằng “những bàn tay can thiệp ” của phương Tây là “một chất độc chết người hơn là một lọ nước ma thuật” ở Trung Đông).

Tuy nhiên, ông Tập cũng không có hứng thú đóng vai trò trung tâm là sứ giả hòa bình. “Tài liệu chính sách đối với các nước Ả-rập” đầu tiên của Trung Quốc, phát hành vào ngày 13 tháng 1, là một tài liệu mơ hồ, dài dòng. Tài liệu này đề cập đến “xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới”, nhưng thiếu vắng các ý tưởng mới.

Chiến lược Trung Đông của Trung Quốc gần giống với chiến lược giải quyết bất đồng chính kiến nội bộ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh trong tuần này cho biết: sự phát triển kinh tế là “lối thoát cuối cùng” của xung đột khu vực. Bằng cách mở rộng các quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Đông, Trung Quốc hy vọng các bất bình và xung đột sẽ dần tiêu tan.

Là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai đến thăm Iran kể từ khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ (người đầu tiên là Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif), ông Tập Cận Bình hy vọng đạt được những thoả thuận béo bở.

Về lâu dài, Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc né tránh việc chọn đứng về bên nào. Ở chừng mực nào đó, Trung Quốc đã tránh đưa ra quan điểm về vấn đề Syria: nói chuyện với đại diện từ cả chính phủ Syria và phe đối lập. Nhưng với việc phủ quyết nghị quyết can thiệp của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc tỏ ra nghiêng về phía chính phủ Syria.

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của người Trung Quốc ở khu vực Trung Đông có thể thách thức chủ trương không can thiệp của nước này. Sau khi một công dân Trung Quốc bị Nhà nước Hồi giáo hành quyết hồi tháng 11, Trung Quốc hứa sẽ tăng cường bảo vệ người dân ở nước ngoài. Những quy tắc mới của ngoại giao Trung Quốc tại Trung Đông rốt cuộc rồi cũng có thể tương tự như sự can thiệp quen thuộc của phương Tây.

Vũ Hồng Trang

Nguồn “Well-wishing“, The Economist

Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)