Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này là biểu tượng cho mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển giữa hai quốc gia còn khác biệt.

LTS: Xung quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Obama, Tuần Việt Nam/báo VietnamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á và ông Greg Poling, chuyên gia Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS).

Thưa ông Greg Poling, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama diễn ra khi ông sắp kết thúc nhiệm kỳ. Theo nhận định của ông, chính quyền Tổng thống Obama trông đợi gì ở chuyến đi này?

Ông Gregory B. Poling: Chính quyền Tổng thống Obama đã muốn thăm Việt Nam từ vài năm nay. Năm ngoái cũng đã có nhiều nỗ lực, nhưng cuối cùng không bố trí được. Năm nay Tổng thống Obama công du châu Á ít nhất hai lần, và giờ là lúc ông dừng chân tại Việt Nam.

Về những gì ông ấy trông đợi, chắc chắn đó sẽ là các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo mới của Việt Nam, từ Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông Obama đã tiếp tại Nhà Trắng hồi năm ngoái.

Tôi nghĩ có thể còn nhiều nữa. Nhưng có một điều tôi rất trông đợi từ chuyến thăm này, liên quan tới quan hệ giao lưu nhân dân. Đã có rất nhiều nỗ lực được thực hiện để có thể khai trương Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dự án được Đại học Harvard và nhiều đại học khác của Mỹ tài trợ và cũng là dự án được ngoại trưởng John Kerry hậu thuẫn mạnh mẽ.

{keywords}
Tổng thống Obama trong chuyến thăm Cuba mới đây. Ảnh: Zing

Thông điệp quan trọng mà Tổng thống Mỹ sẽ truyền đạt trong chuyến thăm lần này có gì khác so với những chuyến thăm của những người tiền nhiệm?

Ông Murray Hiebert: Một trong những thông điệp là quan hệ song phương đã có bước tiến rất xa so với 20 năm trước đây. Đó là hai chuyến thăm cấp cao đặc biệt của Việt Nam đến Mỹ và việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện.

Hai bên cũng là đối tác trong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Rồi những tiến triển trong việc thành lập đại học Fullbright, hay đối thoại trong hợp tác về môi trường và giáo dục.

Thông điệp nữa là hai bên tiếp tục xây dựng quan hệ trong tương lai như thế nào, trong đó nhấn mạnh một số lĩnh vực hai bên có thể tăng cường hợp tác, tính đến việc Mỹ sẽ có chính quyền mới vào năm sau.

Theo quan sát, thì chính quyền Tổng thống Obama có vẻ đang gói ghém các di sản đối ngoại. Có thể nhận ra điều này với thăm của ông tới  Cuba, rồi thoả thuận hạt nhân với Iran hay chuyến thăm Hiroshima. Ông có nghĩ rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này, hai bên sẽ đạt được thoả thuận gì quan trọng?

Ông Murray Hiebert: Cả hai bên đang cùng bàn thảo về một số vấn đề. Một trong số đó là, liệu Tổng thống Obama hay Ngoại trưởng Kerry sẽ dự khánh thành trường đại học Fullbright ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hai bên cũng sẽ đề cập đến những tiến triển trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP. Đây là cơ hội để trao đổi toàn diện về nhiều vấn đề, song tôi không cho rằng sẽ có những thoả thuận lớn được thông qua.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam, đây là biểu tượng cho một mối quan hệ song phương đang phát triển sâu sắc.

Chúng ta đều biết là Tổng thống Obama chỉ còn một thời gian ngắn làm việc tại Nhà Trắng. Liệu có gì bảo đảm người kế nhiệm của ông ấy sẽ tiếp tục đeo đuổi các chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama và Việt Nam đã đạt được và đang xây dựng?

Ông Gregory B. Poling: Chính sách đối ngoại với châu Á luôn được coi là nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng ở Mỹ. Cho dù ai sẽ bước vào Nhà Trắng, dù đó là cựu ngoại trưởng Clinton hay tỉ phú Donald Trump, thì họ cũng sẽ tự động nhận ra rằng tương lai của nước Mỹ nằm ngang bờ Thái Bình Dương, và thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á.

Không thể phủ nhận, một trong những thành công trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là việc làm mới và làm sâu sắc hơn mối quan hệ mới với Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có lẽ là quốc gia đầu tiên, dù không phải là duy nhất.

Tất cả các nước Đông Nam Á đều nhìn thấy sự phát triển trong quan hệ với Mỹ. Và tôi khó có thể tin được rằng sẽ có chính quyền nào ở Mỹ thay đổi chính sách hướng về châu Á. Họ có thể sẽ không gọi đó là tái cân bằng, xoay trục nữa, thay vào đó là một cái tên mới. Nhưng chính sách bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, cũng như chính sách làm sâu sắc thêm quan hệ của Mỹ với châu Á sẽ vẫn tiếp tục.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều thay đổi trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ khi Tổng thống Bush sang thăm Việt Nam 10 năm trước. Theo quan điểm của ông, đâu là thay đổi lớn nhất?

Ông Gregory B. Poling: Thay đổi lớn nhất là quan hệ an ninh.

Từ khi hai nước bình thường hoá tới nay, quan hệ hai nước ban đầu dựa trên việc hợp tác xử lý hậu quả chiến tranh, giáo dục và giao lưu nhân dân, và cả bùng nổ quan hệ kinh tế. Hợp tác an ninh được đặt sang một bên vì mỗi bên vẫn còn có những lo ngại riêng. Nhưng giờ thì nhận thức chung của Mỹ và Việt Nam đã gạt những lo ngại đó đi. Cả hai bên nhận ra những lợi ích chung trong việc tăng cường quan hệ an ninh. 

Chúng ta đã chứng kiến nhiều hơn những hoạt động hợp tác quân sự phi sát thương, như là phối hợp tập trận hải quân, tham gia nhiều hơn các cuộc tập trận đa phương. Số lượng các chuyến viếng thăm của các tàu hải quân Mỹ tăng mạnh, trong đó, có những cơ sở ở Việt Nam chúng tôi từng không nghĩ là tàu của Mỹ lại có thể quay lại viếng thăm sớm đến vậy.

Hiện thì cả Hà Nội và Washington vẫn đang tìm kiếm những cách sáng tạo để tăng cường mối quan hệ an ninh này.

Có một vấn đề dư luận đang hồi hộp chờ đợi liên quan đến chuyện Biển Đông . Theo ông, vấn đề này sẽ được đề cập như thế nào trong chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam lần này?

Ông Murray Hiebert: Điều quan trọng là Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam, đây là biểu tượng cho một mối quan hệ song phương đang phát triển sâu sắc.

Tôi nghĩ là hai bên sẽ thảo luận về hợp tác trong vấn đề này. Như bạn biết thì Mỹ đã cung cấp một số hỗ trợ cho Việt Nam trong nâng cao khả năng chấp pháp trên biển, đó là hợp tác với lực lượng tuần duyên, trang bị ra đa, tàu thuyền.

Trung Sơn thực hiện từ Washington DC

*"Yếu tố bí mật" trong chuyến thăm VN của TT Mỹ
*Việt - Mỹ: Cơ duyên ít biết và sự trớ trêu của lịch sử
* Mùi củi cháy ở Việt Nam và những "kẻ điên rồ" nước Mỹ
*Sau Tango ở Argentina, ông Obama nhảy điệu gì cùng VN?