Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại hội thảo tập huấn triển khai, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám chữa bệnh.

Ông Thuấn cho biết hiện giá khám chữa bệnh đang chỉ mới được tính 2 trên 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, tiền công. Hai yếu tố chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị chưa được tính.

"Để các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công, có thể duy trì và phát triển, điều cốt yếu là phải thu đúng, thu đủ. Như vậy, các bệnh viện mới có cơ hội, điều kiện để tồn tại, càng ngày càng giảm ngân sách phụ thuộc nhà nước, tiến tới từng bước tự chủ", ông Thuấn nói.

Đồng thời, cùng với lộ trình tính đúng tính đủ, được phép thu đủ, các bệnh viện chắc chắn sẽ phát triển kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ngang tầm các nước khác. 

Theo Thứ trưởng Bộ tế, hiện hơn 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế, lãnh đạo bộ hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, tính đủ sẽ "từng bước giảm chi tiền túi của người dân".

"Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế", ông Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hơn 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết việc tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Khi bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao nhiều hơn tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên, theo ông Dương.

"Đặc biệt, khi giá dịch vụ được tính đúng tính đủ, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý - điều hành bệnh viện như hiện nay", TS Dương nói với VietNamNet

Bộ Y tế cho biết đang đôn đốc các đơn vị, bệnh viện, phối hợp để hoàn thiện việc xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật của hơn 10.000 kỹ thuật y tế, cố gắng hoàn thiện trong tháng 8/2023, để trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.   

Đây là cơ sở để điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2024.

"Thực tế, giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước, cần phải cập nhật. Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là căn cứ để tính giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với tình hình", ông Dương cho hay.    

Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, ông Thuấn cho biết dự kiến được Bộ Y tế ban hành trong tháng 7. Các mức giá sẽ khác nhau tùy vào hạng bệnh viện, bác sĩ hay giáo sư... và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. 

Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế đã ký thông tư tương tự, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 và tình hình kinh tế xã hội khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng chưa thực hiện thông tư này.

"Lý do được đưa ra là giá dịch vụ y tế tác động chỉ số giá tiêu dùng CPI và khả năng chi trả của người dân", ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho hay.

Hồi tháng 3, Bộ Y tế từng dự kiến sẽ ban hành thông tư này vào tháng 4. Tuy nhiên, đã quá "thời hạn" hơn 2 tháng nhưng thông tư này vẫn chưa ra đời.