Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến cho biết, thị trường chứng khoán là những kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, có sự phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch tăng. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu minh bạch như chấp hành không đúng quy định pháp luật về công bố không đúng thông tin về thị trường giao dịch. 

Ông dẫn chứng số liệu, riêng năm 2021 có 38 đoàn thanh kiểm tra ban hành 471 quyết định xử lý. Trong đó, tập trung là hành vi công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán… đều chưa đến mức phải xử lý hình sự. 

Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Tuyến cũng cho biết, hành vi mua bán không báo cáo, công bố thông tin của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng và thiếu niềm tin nhà đầu tư, thiếu minh bạch trên thị trường, tác động tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Việc cung cấp và đưa thông tin sai lệch, thất thiệt trên trang mạng xã hội, lôi kéo mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín, khi thực tế năm 2021 và 2022 có nhiều thông tin gây thất thiệt, ảnh hưởng tâm lý đầu tư. 

Ông Tuyến lý giải, do tình hình dịch bệnh, dòng tiền nhàn rỗi chưa tập trung sản xuất kinh doanh mà đầu tư chứng khoán, tiềm ẩn gia tăng nợ xấu, tác động an ninh tiền tệ. 

Vì vậy, Thứ trưởng Công an đề nghị cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ. Trong đó, Bộ Tài chính cần rà soát sửa đổi bổ sung quy định vướng mắc, bất cập trên thị trường như Nghị định 156 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng khung hình phạt và mở rộng hành vi vi phạm. Cùng với đó sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng có chế tài giám sát mở tài khoản của nhà đầu tư ở nhiều công ty chứng khoán. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Tuyến cũng đề nghị tăng cường phối hợp Bộ Công an, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nâng cao hệ thống cảnh báo sớm, phòng ngừa khắc phục lỗ hổng, truyền thông về thị trường chứng khoán, trái phiếu, chính sách chào bán giao dịch, thị trường, các rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, phát hành để đảm bảo minh bạch thị trường… 

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát lại: “Quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự”. 

FLC, Tân Hoàng Minh không đại diện cho tất cả DN

Từ đầu cầu TP.HCM, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị cần kịp thời phát hiện và xử lý ngay, nghiêm những vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả công bố thông tin chưa kịp thời.

Theo ông, các vi phạm xảy ra rất nhiều nhưng xử lý còn đơn giản, chưa có những cảnh báo cho thị trường và nhà đầu tư do sợ ảnh hưởng bất ổn đến thị trường chứng khoán. Vì vậy, cần xây dựng những tiêu chí kiểm tra ngay các biến động bất thường của những cổ phiếu dấu hiệu thao túng thị trường trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát, khi phát hiện sai phạm cần xử lý mạnh tay, dứt khoát, công bố thông tin đại chúng để mọi nhà đầu tư được biết, không né tránh; phạt tiền nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá và cần sửa Nghị định 156.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân 

Việc công bố thông tin cả tiếng Việt, tiếng Anh để đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, vì chính điều này tạo hàng hóa có chất lượng trên thị trường. 

Cần có thông điệp mạnh mẽ của Luật Chứng khoán: “Ai vi phạm cũng sẽ bị phạt và xử lý”. ĐBQH Ngân bày tỏ đồng tình ý kiến “chúng ta không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình việc thực hiện các biện pháp để giúp thị trường phát triển nhanh, bền vững thì việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường là hết sức cần thiết.

Nhưng theo ông Cường “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tức các cơ quan quản lý nhà nước phải biết việc này và thực hiện vai trò của mình. Nhưng không quản lý được để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm trước hết phải là cơ quan quản lý nhà nước. 

Vì vậy, cần tăng cường quản lý trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường. Nếu những cơ quan này làm tốt thì những việc bán chui trái phiếu, làm giá đều có thể ngăn chặn được, không để khi xảy ra mới phát hiện xử lý. 

Ông Cường bày tỏ đồng ý với Thủ tướng là biện pháp xử lý là “không hình sự hóa” mà sử dụng công cụ kinh tế, xử lý kinh tế nặng hơn chứ “không hình sự hóa các cá nhân này”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH cho rằng, thị trường tài chính và bất động sản vừa qua phát triển nóng và có lơi lỏng kiểm soát trong thời gian dài. Cho nên cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp và sự can thiệp này là cần thiết. 

“Việc can thiệp thị trường là cần thiết nhưng cần minh bạch, chuyên nghiệp, không nên duy ý chí, bất chấp quy luật, dân túy, chạy theo dư luận nhất thời, đặc biệt là phải xét đến quyền lợi của các nhà đầu tư ngay tình”, ông lưu ý vừa qua, sự can thiệp là hơi chậm, để vi phạm xảy ra, thiệt hại nhiều mới thổi còi là chậm trễ. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, lợi nhuận, cạnh tranh, lợi ích cá nhân là đặc trưng cố hữu của kinh tế thị trường. Do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ gian lận, vi phạm pháp luật, lừa dối trong cạnh tranh. Có nghĩa đồng tiền có hai mặt, tích cực và tiêu cực.

Nên sự can thiệp phải thường xuyên diễn ra và sớm hơn nhưng phải thông qua công cụ và cảnh báo chuyên nghiệp. Nhà nước làm tốt vai trò trọng tài, cảnh báo sớm và khi có vi phạm thì xử phạt nghiêm.

“Việc xử lý với FLC và Tân Hoàng Minh và một số vụ khác là cần thiết và được hoan nghênh. Tuy nhiên FLC và Tân Hoàng Minh không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường”, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định.

Do đó, ông cho rằng việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết.

“Việc xử lý kịp thời và nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm và các bên liên quan là quan trọng; xử lý hợp lý, kịp thời, nghiêm minh là rất quan trọng nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, không nên có sự thay đổi đột ngột, đảo chiều chính sách tác động tiêu cực lớn hơn đối với sự phát triển của thị trường”, ông Nghĩa lưu ý.

Theo ông, phải rà soát, kiểm tra, giám sát, truy vết vừa trên diện rộng, vừa có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây phiền nhiễu hay tạo dư luận tiêu cực, tâm lý hoang mang, gây sợ hãi. 

Ông một lần nữa nhấn mạnh “không cần siết chặt thị trường một cách không cần thiết”.

Nêu một số nguyên tắc trong xử lý có các quan hệ phức tạp đan xen giữa dân sự, hành chính và hình sự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta không hình sự hóa nhưng cũng không dân sự hóa”. 

Theo ông, kinh nghiệm nhiều nước xử lý hình sự hành vi gian lận, thao túng trên thị trường vốn luôn là biện pháp cần thiết. Tất cả phải theo luật, bản chất là dân sự xử theo dân sự, hành chính thì xử hành chính, hình sự thì xử hình sự nhưng khi xử hình sự thì phải đảm bảo đúng quy định hình sự. Có nghĩa là bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Xử vi phạm hình sự trong kinh doanh cần lưu ý là vi phạm này khác với các tội phạm cướp của, giết người, ma túy, có nghĩa không cần bắt giam, nếu người ta có khả năng khắc phục hậu quả thì tạo điều kiện cho họ”, luật sư Nghĩa phân tích.

Ông cho rằng, trong các vụ vừa qua tạo tiền lệ cho các vụ về sau. Do đó cần cẩn trọng vận dụng các biện pháp có căn cứ pháp luật hiện hành, nếu vận dụng biện pháp đặc biệt thì cũng phải đúng quy trình luật định và kinh tế thị trường.

“Kinh tế thị trường có quy luật khách quan của nó, chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ. Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững thì phải cạnh tranh lành mạnh. Muốn cạnh tranh lành mạnh thì đảm bảo minh bạch, công bằng, thuận lợi, bình đẳng và nghiêm minh trước pháp luật”, luật sư Trương Trọng Nghĩa đúc kết. 

Thu Hằng