Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) diễn ra sáng 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc triển khai đề án nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả.

Đó là thể chế, hạ tầng, nhân lực; trong đó có thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đối số để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số; đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên cơ sở  lấy người dân là trung tâm, là động lực, là mục tiêu và là chủ thể của sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06. Ảnh: Nhật Bắc

Thực tiễn thời gian phòng, chống dịch vừa qua càng khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của nhiệm vụ này, như việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an sinh xã hội…

"Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả và trước mắt và lâu dài", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Khó khăn, thách thức phía trước còn không ít, thậm chí có cả "lực cản"

Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như vẫn chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%).

Còn 4/25 dịch vụ công trực tuyến đề ra nhưng chưa thực hiện được; tiến độ thực hiện số hóa và điện tử hóa quy trình để cắt giảm bớt các giấy tờ còn chậm, người dân vẫn phải kê khai nhiều lần.

Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành mới chỉ là bước đầu, chia sẻ dữ liệu chưa nhiều.

Thủ tướng lưu ý các địa phương và các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cần tăng cường phối hợp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tới tận cơ sở, vì người dân là ở cấp cơ sở; đồng thời hỗ trợ những người yếu thế, gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, nhiều nhiệm vụ đầu tư cần xem xét, quyết định sớm; khó khăn, thách thức phía trước còn không ít, thậm chí có cả "lực cản".

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả Đề án 06 rất quan trọng này, với một số quan điểm, định hướng chỉ đạo lớn.

Theo đó, phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực. “Đến đầu năm 2026, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể làm nền tảng để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

"Chúng ta phải phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng nó, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao; không chỉ phục vụ phát triển Chính phủ số mà còn nền kinh tế số, xã hội số, công dân số văn minh, hiện đại ngang tầm quốc tế, khu vực.

Cán bộ đi trước, làng nước theo sau

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực.

Thủ tướng trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: Nhật Bắc

Nhắc đến khẩu hiệu: "Đúng, đủ, sạch, sống" dành cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu thêm trên quan điểm "thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân".

Nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được".

Do đó, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp cũng phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt Đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

“Tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành liên quan, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện.

"Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các cơ quan đã chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng.

Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống CSDLQG về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên…

Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…

Đồng thời cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin…

Thủ tướng chủ trì hội nghị sơ kết Đề án 06

Thủ tướng chủ trì hội nghị sơ kết Đề án 06

Sáng 9/8, Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.