Theo báo cáo từ gần 700 cơ sở y tế, trong năm 2023 có tới 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; 62 người (5%) vẫn còn di chứng. Trong số đó, 5,8% số người dưới 18 tuổi; 10,5% là nữ.
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành ở Việt Nam giảm chậm còn 20,8% (năm 2021). Theo kết quả nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, ước tính Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và 18.800 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá, gồm chi phí khám chữa bệnh và tổn thất năng suất lao động, hơn 108.000 tỷ đồng.
Một vấn đề khó khăn hơn nảy sinh khi số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ.
Năm 2019, khoảng 2,6% học sinh từ 13 đến 17 tuổi hút thuốc lá điện tử (3,6% nam và 1,5% nữ). Theo kết quả điều tra tại 11 tỉnh thành năm 2023, tỷ lệ trên đã tăng lên là 8,1%.
Tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe bao gồm tổn thương phổi cấp, bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị, ngộ độc do quá liều nicotine - chất gây nghiện mạnh có hại cho bộ não thanh thiếu niên. Ngoài ra, tương tự thuốc lá điếu truyền thống, loại thuốc lá mới này còn tác động xấu tới hệ hô hấp, tim mạch, gây bệnh răng miệng, ung thư, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nguy hại hơn, người dùng có thể tự pha chế dung dịch, trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá. Bộ Công An đã phát hiện một số trường hợp gồm cả các đơn vị tư nhân nhập lậu linh kiện sản phẩm, chủ động pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử trước khi bán.
Từ năm 2022, Việt Nam ghi nhận một loạt ca bệnh điển hình nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma túy. Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử trong đó có ngộ độc ma túy năm 2022, 2023.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng; đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotine ở giới trẻ. Các bên liên quan cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.