"Chính thủ tục gia tăng cộng lãi suất là 2 thòng lọng giết doanh nghiệp chúng tôi nhiều nhất”, ông Nguyễn Văn Đực, Công ty địa ốc Đất Lành, chua chát nói. Tất cả đều bị đưa vào giá bán, người tiêu dùng gánh phần thiệt. Chưa kể những quy định khác dựng lên khiến DN vô cùng tốn kém, buộc lòng phải "ăn gian".

'Thòng lọng' thủ tục và lãi suất 

Tại hội thảo bàn về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành đã làm “nóng” hội trường bằng một bài phát biểu đầy tâm tư.

Tự nhận bản thân là một doanh nhân đã trải qua bao con đường đau khổ, ông Nguyễn Văn Đực chia sẻ: "Tôi đã đi qua bao cánh đồng bất tận để hoàn tất một hồ sơ khởi công xây dựng. Những khổ sở, tổn thất đó đương nhiên là doanh nhân chúng tôi chịu trước, nhưng đâu phải chúng tôi chịu một mình đâu. Tất cả chúng tôi đưa hết vào giá bán. Cuối cùng người mua mới là người chịu". 

{keywords} 

Điểm lại chặng đường làm thủ tục gian nan, ông Đực chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn trước 2006, để khởi công dự án, chỉ cần một quyết định giao đất, phê duyệt dự án là xong, còn việc nối kết hạ tầng, môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy là bổ sung sau khi đã khởi công xây dựng. Thời gian mất khoảng 1 năm, giá bán thời điểm đó là 5-6 triệu/m2.

Đến thời điểm 2006-2010, DN phải thêm một số thủ tục nối kết hạ tầng, môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy mới được làm thiết kế cơ sở. Có thiết kế cơ sở mới được duyệt dự án đầu tư, sau đó là xin giấy phép xây dựng và mới được khởi công. Thời gian làm thủ tục mất 2-3 năm, giá bán trên dưới 10 triệu đồng/m2.

Giai đoạn 3 là sau năm 2010, DN phải thêm thủ tục thẩm định thiết kế, vì cơ quan quản lý sợ công trình bị sự cố này, lãng phí kia. Cho nên lại mất thêm thời gian nữa và lúc này giá bán không dưới 14 triệu đồng/m2. Còn hiện nay, không có chung cư nào giá 14-15 triệu đồng/m2 cả mà lên đến 20 triệu/m2.

“Đương nhiên giá bán tùy thuộc nhiều yếu tố vật giá, nhân công, lãi suất nhưng không thể loại bỏ yếu tố thủ tục gia tăng. Chính thủ tục gia tăng cộng lãi suất là 2 thòng lọng giết doanh nghiệp chúng tôi nhiều nhất”, ông Nguyễn Văn Đực bức xúc.

Ông Đực cũng tiết lộ một nghịch lý: thủ tục quá nhiều, quá lâu khiến chủ đầu tư bù chi phí bằng cách giảm chất lượng.

“Đưa ra những quản lý quá chặt, tưởng rằng quản chặt chất lượng tốt hơn. Nhưng tôi chứng minh ngược lại, càng quản lý chặt chất lượng càng xấu đi. Sơn nước giảm một chút, gạch lát giảm một chút, ông nào kiểm soát được? DN phải tốn phí rất nhiều nên buộc lòng phải ăn gian" - ông Đực thẳng thắn.

90% người làm giàu ở Việt Nam nhờ vào đất

Sau phần giãi bày của lãnh đạo công ty Đất Lành, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nói: "Qua trình bày của anh Đực, chúng ta thấy được mong muốn bao giờ cho đến ngày xưa. Quy trình thủ tục càng ngày càng phức tạp thêm. Tại sao một Luật Xây dựng bị rất nhiều người phản đối lại vẫn được thực hiện?".

{keywords}
Ông Nguyễn Đình Cung và ông Nguyễn Đức Kiên đã có màn tranh luận thú vị về Luật Xây dựng

Ông Cung đánh giá: Một trong những luật gây bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng dư luận là Luật Xây dựng. Luật này ra đời, đã gây ra “cái chết” tức tưởi cho một loạt các luật, nghị định khác liên quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu với tư cách “một người làm nghiên cứu” lại cho rằng: 90% người làm giàu ở Việt Nam sống nhờ vào đất. Đó là lợi dụng địa tô chênh lệch mà dẫn chứng là giá căn hộ đã nâng từ 5 triệu/m2 lên 20 triệu/m2, đổ vào đầu người dân.

“Những thủ tục DN kêu ca chủ yếu ở nghị định như Nghị định 34, Nghị định 118, Nghị định 59 và Thông tư của Bộ Xây dựng. Như vậy thì ở đây không phải là sửa luật mà là sửa các thông tư, nghị định”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Ông Kiên chia sẻ: Tại sao Bộ Xây dựng đưa ra được nhiều quy chế, nhiều ràng buộc ngành mà lại được cả tập thể Chính phủ thông qua trong các nghị định? Bởi vì nó đánh vào quyền lợi, để kiểm soát chặt. Cho nên mới hình thành nhà ở xã hội để đấu tranh chống lại lợi ích nhóm xây nhà để bán.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Hiện giá nhà ở Việt Nam so với thu nhập người dân là quá cao, gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong lúc ở các nước khác thì giá nhà chỉ cao hơn khoảng 5-7 lần.

Cho nên, ông Doanh kiến nghị cần sửa đổi có hệ thống các quy định về đất đai nhà ở trên tinh thần quản lý hiệu quả chứ không phải là bày đặt các thủ tục.

Lương Bằng