Sắc lệnh chỉ đạo Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đánh giá chi tiết ảnh hưởng của bất kỳ giao dịch nước ngoài nào đối với các ưu tiên an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden trên 4 phương diện: khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng quan trọng, sự dẫn dắt về công nghệ, an ninh mạng và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Văn bản này cũng yêu cầu CFIUS xem xét các giao dịch nước ngoài dựa trên bối cảnh xu hướng đầu tư có thể tạo ra mối đe doạ với an ninh quốc gia, chẳng hạn như thâu tóm nhiều công ty trong một lĩnh vực, ngành cụ thể.
Bằng cách mở rộng bối cảnh, CFIUS sẽ có thêm thời gian để xác thực các hoài nghi đối với một giao dịch cụ thể, dù sắc lệnh không làm thay đổi hay mở rộng thẩm quyền pháp lý của cơ quan này.
Theo quy định, những lĩnh vực tác động tới an ninh quốc gia Mỹ bao gồm vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và năng lượng sạch tiên tiến.
Trong đó, CFIUS, kiểm soát xuất khẩu cùng các công cụ khác được sử dụng để tạo ra “bộ công cụ an ninh quốc gia thúc đẩy nâng cao khả năng cạnh tranh và đi trước đối thủ”, Peter Harrell, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia về kinh tế quốc tế và năng lực cạnh tranh, cho biết.
Việc bổ sung năng lượng sạch và công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu vào danh sách lĩnh vực nhạy cảm cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của an ninh năng lượng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.
Dù không nêu tên Trung Quốc, nhưng các lĩnh vực được đề cập trong sắc lệnh có sự tương đồng với quan ngại về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ đạo cụ thể với CFIUS, cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, kể từ cơ quan này được thành lập vào năm 1975. Quyền hạn của Ủy ban này cũng đã được mở rộng vào những năm 1980 để đối phó với lo ngại từ các vụ mua lại của Nhật Bản tại Mỹ.
Thế Vinh (Theo NikkeiAsia)