Chiều 5/7, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án nhà ở thương mại đã góp phần thay đổi diện mạo Thành phố, đáp ứng nhu cầu chỗ ở, cải thiện đời sống của người dân.
Tuy nhiên, việc đảm bảo pháp lý về sở hữu nhà ở cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Chậm cấp giấy chứng nhận làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, gây thiệt hại kinh tế và thất thu ngân sách.
“Thực tế đã phát sinh rất nhiều bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện của cư dân liên quan đến việc chậm cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở thương mại. Có dự án hơn 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận”, bà Lệ phát biểu.
Báo cáo về công tác cấp giấy chứng nhận, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, cho biết kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến nay, TP.HCM có 335 dự án nhà ở thương mại với tổng số 191.101 căn nhà (gồm cả căn hộ và nhà ở riêng lẻ) đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Trong tổng số 191.101 căn nhà, có 110.016 căn đã được cấp giấy chứng nhận. Vì nhiều nguyên nhân, 81.085 căn còn lại vẫn chưa được giải quyết.
Những khó khăn, vướng mắc chính trong công tác cấp giấy chứng nhận cho hơn 81.000 căn này là: Chờ chủ sở hữu nộp thuế; chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; hơn 10.200 căn nhà thuộc 18 dự án phải tạm dừng cấp giấy chứng nhận vì thanh tra; chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp hồ sơ.
Giai đoạn từ năm 2004 đến trước khi Luật Nhà ở năm 2013 có hiệu lực, trên địa bàn Thành phố có 24.501 căn nhà thuộc 105 dự án được cấp giấy chứng nhận.
Đối với 8.372 hồ sơ đang chờ chủ sở hữu nộp thuế, theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, từ giữa tháng 5/2023 đến đầu tháng 6/2023, đã có 1.672 giấy chứng nhận được cấp.
Có nhiều nguyên nhân như điều chỉnh quy hoạch, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm xây dựng… nên dẫn đến một số chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều vướng mắc như khó xác định thời điểm bàn giao nhà hay số lượng căn nhà trong một dự án quá lớn dẫn đến khó khăn khi xác định hành vi vi phạm.
Giải pháp cho vấn đề này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ để làm rõ nguyên nhân. Trường hợp các chủ đầu tư cố tình không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng thì cương quyết xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.