“Nếu chúng ta cứ duy trì mức độ nhập khẩu từ TQ như hiện nay trong khi xuất khẩu giảm thì tất nhiên nhập siêu sẽ tăng nữa… Nếu ta không điều chỉnh tình trạng này sớm thì khi vào TPP phản ứng của ta sẽ không kịp”.

LTS: Xung quanh việc TQ phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn* về động cơ của TQ, phản ứng của các nước và ảnh hưởng với Việt Nam.

Một mũi tên bắn hai đích

Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, ông nhìn nhận như thế nào về sự kiện đang gây chấn động, TQ phá giá đồng NDT? Thậm chí có một số ý kiến cho rằng cuộc chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Trong 3 ngày TQ điều chỉnh giảm tỷ giá đồng NDT 3 lần, tổng cộng là 4,6% .

Dư luận có vẻ bị sốc vì chuyện TQ “phá giá” tiền của họ và nghĩ rằng nước này đang cố tình mở thêm một mặt trận gây hấn nữa, khi mà mọi người vẫn còn đang quan ngại vì hành động của họ ở biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Ngân hàng trung ương TQ chỉ điều chỉnh theo đà tuột dốc của đồng NDT trên thị trường ngoại hối của họ trước những khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế TQ.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn. Ảnh: Tuổi trẻ

TQ theo đuổi chính sách kiểm soát tỷ giá NDT rất chặt chẽ theo hướng giữ giá đồng NDT ở mức thấp hơn thực tế nhằm tạo ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của nước này trên thị trường thế giới từ nhiều năm nay. Điều này thực sự tạo ra khó chịu cho phương Tây.

Nếu nói chiến tranh tiền tệ thì thật ra TQ đã cố tình gây chiến từ nhiều năm rồi khi kiên quyết giữ tỷ giá NDT ở mức thấp trước, phớt lờ những yêu cầu của các nước Mỹ và EU kêu gọi TQ nâng giá đồng tiền của họ. Bây giờ chẳng những họ không nâng mà còn phá giá, mọi người không sốc mới lạ!

Gần đây, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) có đề xuất sử dụng một số đồng tiền mạnh như USD, Euro, đồng bảng Anh, để làm rổ tiền tệ cho SDR (Special Drawing Rights - Quyền rút vốn đặc biệt) thay vì chỉ sử dụng USD. Nhưng với đồng NDT, nhiều chuyên gia IMF quan ngại đưa vào rổ tiền tệ này, bởi sự kiểm soát chặt chẽ của TQ vì những mục tiêu chính trị chứ không theo tín hiệu thị trường.

Bây giờ đồng NDT đang bị mất giá mạnh. Ngay cả khi ngân hàng trung ương TQ phá giá trên 4%, giới giao dịch đồng NDT vẫn cho rằng khả năng sụt giảm thêm của đồng NDT là khá cao, mặc dù ngân hàng trung ương TQ trấn an là sẽ không phá giá thêm đồng NDT, thậm chí họ điều chỉnh tăng trở lại một chút vào ngày thứ tư.

Thưa ông, TQ sẽ có lợi như thế nào với quyết định này?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Chúng ta cũng biết rằng trước đó không lâu thị trường chứng khoán TQ đã bị sụt giảm thê thảm, bị bốc hơi mất 4.000 tỷ USD. Nhà nước TQ sử dụng nhiều biện pháp can thiệp nhưng không có hiệu quả, vì số lượng nhà đầu tư cá nhân rất đông khiến cho hiệu ứng tâm lý bầy đàn rất khó kiểm soát.

Mặt khác, nợ tồn đọng của khu vực doanh nghiệp rất lớn, gấp hai lần GDP của TQ. Trong khi các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu qủa khiến cho nguy cơ vỡ nợ là có thật. Chưa kể 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu của TQ giảm đến 8,5% . Thị trường xuất khẩu chính của TQ là EU thì đồng Euro sụt giá mất 22% càng làm cho giá hàng hóa TQ tăng lên.

Điều này phản ánh sự trì trệ, khó khăn của nền kinh tế TQ, các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, lợi nhuận thấp và thua lỗ, giá nhân công lại lên cao, thất nghiệp tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất so với nhiều năm trước.

Tình hình đó buộc ngân hàng trung ương TQ phải phá giá. Hơn nữa, chủ trương kìm giữ đồng NDT ở mức thấp vẫn là chủ trương lâu dài của nhà cầm quyền tiền tệ TQ, nên họ thấy đây là một cơ hội tốt để đẩy giá đồng NDT xuống thấp. Theo nhiều nhà phân tích, đây cũng là một cơ hội để TQ chứng tỏ với thế giới là họ đang đưa đồng NDT phù hợp với tín hiệu thị trường nhằm trấn an IMF. Đây là một sách lược mà các nhà phân tích gọi là “nhất tiễn hạ song điểu” (một mũi tên bắn hai đích), vừa theo khuyến cáo của IMF là điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường, vừa giải quyết những khó khăn kinh tế nội tại đang gặp phải.

Giải mã phản ứng của Mỹ

Vậy vì sao Mỹ với tư cách là cường quốc số 1 của thế giới lại phản ứng mạnh?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Trước nay lãnh đạo các đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đều kêu gọi TQ tăng giá đồng NDT vì nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng. Nhưng TQ vẫn một mực giữ đồng NDT ở mức thấp. Cho nên, việc TQ nhân thời cơ các đồng tiền mạnh trên thế giới đều giảm giá và tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi để thực hiện phá giá đồng NDT khá sâu, rõ ràng là một động thái gây bất ngờ khó chịu cho nhiều nước đang lâm vào tình trạng nhập siêu thường trực với TQ. Đặc biệt là Mỹ và EU.

Tuy nhiên, theo tôi, với tình hình kinh tế TQ khó khăn nghiêm trọng như vậy thì việc phá giá không có gì khó hiểu.

Có điều gì bên trong khiến cho TQ chỉ điều chỉnh trên 4% tỷ giá NDT lại khiến cho dư luận thế giới nổi sóng? Trong khi nhiều quốc gia khác cũng đã làm trước và điều chỉnh mức cao hơn nhiều?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: TQ vốn mang tiếng là kìm giữ đồng bạc của mình ở mức thấp nên một hành động phá giá, dù nhỏ cũng gây xôn xao dư luận là điều dễ hiểu. Hơn nữa, đây là nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới và liên tục xuất siêu, có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Bất kỳ động thái nào của TQ giảm giá NDT cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các nước trên thế giới. Nhất là giới truyền thông quốc tế, họ xem như đây là cú sốc trong thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu.

Sự thực thì xu hướng giảm giá của các đồng tiền mạnh so với đồng USD trong thời gian gần đây là phổ biến, từ đồng Yên Nhật cho tới Euro và các đồng tiền khác như đôla Úc và đôla Singapore. Đồng Euro giảm giá đến 22%. Trong tình hình đó, việc TQ “té nước theo mưa”, phá giá đồng NDT dù chỉ ở mức 4% không có gì ghê gớm nhưng chắc chắn sẽ gây phản ứng khắp thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đón nhận sự kiện này một cách bình tỉnh, không có gì phải lo lắng quá!

Tính đến chuyển hướng chiến lược lâu dài

Ngay sau khi TQ điều chỉnh tỷ giá NDT hạ xuống, nhiều quốc gia trong khu vực cũng điều chỉnh theo, trong đó có VN. Ông thấy phản ứng của VN có phù hợp không?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Rất hợp lý, một động thái phản ứng kịp thời như vậy là cần thiết. Nhưng không nên làm duy ý chí mà phải theo tín hiệu thị trường cho phù hợp. Nhất là phải có một mục tiêu chiến lược lâu dài hướng về lợi ích chung của toàn nền kinh tế.

Việc giữ tỷ giá đồng nội tệ cao rõ ràng là không phù hợp, nhưng phá giá mạnh để làm mất ổn định tiền tệ cũng không nên. Mọi hành động can thiệp vào tỷ giá cần phải theo tín hiệu thị trường và vì lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước, trong đó có việc sử dụng hiệu qủa các nguồn lực.

Với VN, chúng ta đang bị nhập siêu từ TQ, ảnh hưởng từ sự tụt giá của đồng NDT sẽ giúp hàng hóa TQ rẻ thêm. Điều này có nguy cơ nhập siêu của VN tăng lên, lo lắng này là có cơ sở phải không, thưa ông?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Thị trường quan trọng mà TQ nhắm tới khi thực hiện phá giá là EU. Nhưng tác động của nó lan rộng đến các khu vực khác, trong đó có Asean và Việt Nam. VN đang phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế TQ. Mức nhập siêu của VN với TQ chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã lên đến 20 tỷ USD. Tình trạng nhập siêu của ta đối với TQ mang tính cơ cấu, một phần do chiến lược phát triển dựa vào thay thế nhập khẩu với việc định giá đồng bạc quá cao, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế quốc doanh tha hồ nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên liệu giá rẻ và điều kiện giao dịch “thoải mái” từ TQ , kể cả các DN tư doanh.

Thêm vào đó, đầu tư của TQ tại VN, các nhà thầu công trình lớn của TQ cũng “dọn đường” để máy móc thiết bị nguyên liệu vật tư TQ tràn vào VN. Đó là chưa kể các loại hàng hóa thực phẩm kém chất lượng giá rẻ khác. Thực trạng đã nghiêm trọng như vậy rồi thì việc đồng tiền của họ giảm một chút cũng chẳng làm trầm trọng hơn bao nhiêu. Chẳng hạn như ta ăn 3 chén cơm là no nay thấy gạo rẻ ta ăn thêm thành 4 chén hay sao? Cho nên đối với tình trạng nhập siêu kỷ lục như hiện nay thì đồng NDT có giảm giá vài phần trăm tuy có tác động nhưng không đáng kể.

Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá của TQ, dù không ảnh hưởng gì lớn như đánh giá và nhận định của ông, nhưng có vấn đề gì khác mà VN chúng ta cần quan tâm không?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Về tác động từ việc phá giá của TQ, theo tôi điều cần quan tâm là xuất khẩu hàng hóa VN sang TQ. Đồng NDT giảm có ảnh hưởng một ít nhưng quan trọng hơn là nền kinh tế TQ khó khăn, tiêu dùng của người dân TQ giảm thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của ta sang TQ. Nếu chúng ta cứ duy trì mức độ nhập khẩu từ TQ như hiện nay trong khi xuất khẩu giảm thì tất nhiên nhập siêu sẽ tăng nữa. Đó là do tính chất cơ cấu, tính phụ thuộc quá lớn từ lâu nay.

Nếu ta không điều chỉnh tình trạng này sớm thì khi vào TPP phản ứng của ta sẽ không kịp, vì vào TPP hàng hóa của ta muốn được ưu đãi thì nguồn nguyên liệu phải được mua từ các nước trong TPP, mà TQ không trong TPP. Vậy đây là cơ hội để ta nhìn lại để tính đến một sự chuyển hướng chiến lược lâu dài.

Chúng ta có thể rút ra điều gì từ cách điều hành tỷ giá của TQ không, thưa ông?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Tôi thấy rằng, các nhà lãnh đạo tiền tệ TQ khá khôn ngoan và nhạy bén trong các quyết định, lựa chọn đúng thời điểm phù hợp theo cơ chế thị trường. Trước đây họ giữ đồng NDT ở mức giá thấp kéo dài để đẩy mạnh xuất khẩu trong một thời gian dài. Nhờ vậy họ phát triển mạnh và có được một khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Hành động của Ngân hàng trung ương TQ cho thấy là họ có tầm nhìn chiến lược và luôn có tính toán để có quyết định phù hợp với lợi ích của TQ.

Điều quan trọng về lâu dài là mỗi nước phải có tầm nhìn để thấy và biết, để có hành động như thế nào cho nền kinh tế của mình phát triển được, nhân dân có công ăn việc làm, doanh nghiệp phát triển, xuất khẩu được nhiều. Trong hội nhập kinh tế thế giới, mình phải giành được phần thắng hay ít nhất cũng không thua. Trong cuộc chơi này chính sách tiền tệ vô cùng quan trọng, nó không phải là tỷ giá đâu mà còn chính sách về thuế, về lãi suất, về tín dụng trong nước đều rất quan trọng. Những yếu tố đó cần đồng bộ, hỗ trợ và tương tác với nhau.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

Duy Chiến

* Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Trước 30/4/1975, ông là thành viên ban lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Sau năm 1975 là thành viên “Nhóm thứ 6” giúp việc cho lãnh đạo TP.HCM và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là Phó TGĐ Ngân hàng cổ phần đầu tiên ở Việt Nam kể từ sau năm 1975, Ngân hàng Sài Gòn công thương. Hiện nay ông là thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Cty Cổ phần Kềm Nghĩa.