Ngày 23/9, Đảng ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ xã Vạn Thọ, huyện Đại từ (tỉnh Thái Nguyên) phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Trần Đình Thi.

Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Trần Đình Thi diễn ra trong không khí trang trọng

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng với sự tham dự của Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện: Quân khu 1 - Bộ Quốc phòng, đoàn ĐBQH tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB-XH, lãnh đạo huyện Đại Từ… cùng gia đình của Liệt sĩ Trần Đình Thi và đông đảo đồng đội, người thân tại xã Vạn Thọ.

Điếu văn truy điệu Liệt sĩ Trần Đình Thi nhắc lại lịch sử, thời kỳ đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, kẻ thù ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam không ngừng xâm phạm độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Nhiều tầng lớp thanh niên đã tiếp bước cha anh lên đường tòng quân bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang sơn, trong số đó có Liệt sĩ Trần Đình Thi.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến dự vào trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện gia đình Liệt sĩ Trần Đình Thi

"Sự hy sinh tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Tổ quốc đời đời ghi ơn công của các anh hùng liệt sĩ. Quê hương Vạn Thọ mãi mãi ghi nhớ tên anh, người chiến sĩ cách mạng", điếu văn nêu rõ.

Liệt sĩ Trần Đình Thi sinh năm 1959, tại xóm Chăn Nuôi, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Tháng 5/1978, người thanh niên Trần Đình Thi lên đường nhập ngũ khi tròn 19 tuổi, huấn luyện tại Trung đoàn 851, Sư Đoàn 346. Đến tháng 9/1978, được biên chế đóng quân tại Đại đội 4, tiểu đoàn 2, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Ngày 17/2/1979, trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm tại mặt trận huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, ông đã anh dũng hy sinh. Tuy nhiên, do thông tin khai báo khi đó không chính xác nên trong 43 năm qua, ông chưa được công nhận liệt sĩ.

Vì vậy, gia đình cụ Nguyễn Thị Mùi - mẹ của Liệt sĩ Trần Đình Thi cùng với gia đình đã làm đơn gửi lên Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 và nhiều ban ngành để minh oan trong suốt thời gian qua.

Cụ Nguyễn Thị Mùi, mẹ của Liệt sĩ Trần Đình Thi 43 năm mòn mỏi tìm kiếm sự thật cho con
Gia đình, người thân đến viếng Liệt sĩ Trần Đình Thi

Như VietNamNet đã thông tin đến ngày 15/5/2018, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đối thoại làm rõ trường hợp từ trần của ông Trần Đình Thi và kết luận “quân nhân Trần Đình Thi hy sinh ngày 17/2/1979 tại xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng và đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Quảng”, chứ không phải "đã chết vào ngày 27/2/1979 tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng trong trường hợp tự ý bỏ nhiệm vụ về phía sau địch bắn chết”.

Sau nhiều năm đề nghị nhưng chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận với lý do thiếu giấy tờ, gia đình cụ Nguyễn Thị Mùi đã kêu cứu đến Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc, quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng. Vụ việc sau đó được tháo gỡ khi Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chuyển đơn lên Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Sau khi tiếp nhận đơn, Ban Dân nguyện đã tham mưu đưa vụ việc này vào diện giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chương trình giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và yêu cầu khẩn trương xử lý.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan khẩn trương xem xét đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi, cấp Bằng Tổ quốc ghi công và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sĩ theo quy định.

Ngày 8/9 vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ đã ký Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trần Đình Thi, khép lại hành trình 43 năm của mẹ Nguyễn Thị Mùi và gia đình liệt sĩ bằng một cái kết có hậu.

Hành trình 43 năm và tấm bằng “Tổ quốc ghi công”

Hành trình 43 năm và tấm bằng “Tổ quốc ghi công”

“Ước nguyện của mẹ tôi chỉ mong được nhìn thấy tấm 'Bằng Tổ quốc ghi công' và được nghe mọi người gọi anh tôi bằng hai tiếng 'Liệt sĩ' thiêng liêng chứ không phải là hai từ “Tử sĩ” của người đảo ngũ như 43 năm qua”.