Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin thiết lập một mặt trận thống nhất khi hai bên gặp nhau tại Moscow trước lúc Nga tổ chức diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít.

Lãnh đạo Trung - Nga đã cam kết tăng cường hợp tác trong những vấn đề toàn cầu. Ông Tập nói rằng, lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ là để "tri ân những anh hùng ngã xuống, để cho ký ức lịch sử không bao giờ phai nhạt và thảm kịch chiến tranh không còn lặp lại", và "chúng ta cần hợp tác để xây dựng hòa bình trên trái đất này".

Về phần mình, ông Putin bày tỏ: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những người bạn TQ ở đây, vào đúng thời điểm toàn bộ người dân Nga chào mừng Ngày chiến thắng".

{keywords}

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Moscow ngày 8/5. Ảnh: AP

Ký hợp đồng 6 tỉ USD

Tổng thống Putin và Chủ tịch TQ hôm qua đã chứng kiến lễ ký kết 32 hợp đồng liên quan đến các khoản vay xây dựng đường sắt tốc độ cao và những dự án cơ sở hạ tầng khác. Hai nước cũng ký bản ghi nhớ về một hệ thống ống dẫn khí mà tập đoàn dầu khí quốc gia TQ (CNPC) sẽ xây dựng cho Gazprom (tập đoàn dầu khí quốc gia Nga). Các thỏa thuận trị giá khoảng 6 tỉ USD.

Ông Tập tới thăm Nga và sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Thế chiến II diễn ra hôm nay. Theo giới phân tích, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung được coi là mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất. Bắc Kinh đầy quyền lực sẽ là liều thuốc hoàn hảo để Nga đối kháng với phương Tây.

Thượng khách của Putin?

Ở bề ngoài, đây là dấu hiệu tốt. Ông Tập được đánh giá là vị lãnh đạo thế giới nổi bật nhất tham dự cuộc diễu binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng 9/5.

Lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức và Pháp không tới dự sự kiện này.

Kể từ khi chủ trì cuộc gặp thường niên diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Vladivostok năm 2012, Nga đã theo đuổi chính sách xoay trục về châu Á. TQ, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và Nga - nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cuối năm trước đã ký kết thỏa thuận khí đốt sau nhiều năm thương thảo trị giá 400 tỉ USD.

Mặc dù Putin có thể hy vọng những hợp đồng nói trên có thể giúp bảo vệ Nga khỏi các biện pháp trừng phạt phương Tây, nhưng ông cũng hiểu rằng, Bắc Kinh sẽ không hẳn ưu đãi Moscow.

Ví dụ, Putin rất muốn CNPC đầu tư vào Vankor, một trong những khu khai thác dầu có giá trị nhất của Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang bị sa lầy vì vấn đề giá cả. Tương tự như vậy, các thỏa thuận khí đốt ký năm ngoái giữa Gazprom và CNPC đã không tiến triển theo đúng kế hoạch. Cả hai còn đang cân nhắc chuyện lãi suất cho một khoản vay trị giá 25 tỉ USD mà TQ giúp Nga xây dựng đường ống.

Nga vẫn hoài nghi về các dụng ý của TQ ở vùng dân cư thưa thớt Siberia, nhất là khi Bắc Kinh nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế khu vực phía tây. Thực tế, Nga và TQ vừa là đối tác chiến lược lại vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Điều này đặc biệt đúng với Trung Á - một khu vực mà ông Putin tin rằng vẫn rất quan trọng với lợi ích của Nga.

TQ đã không tiếc tiền của và công sức vào khu vực giàu tài nguyên này. Chính sách tái thiết Con đường Tơ lụa qua Trung Á đến châu Âu và Bắc Phi được coi là thách thức trực tiếp với ảnh hưởng của Moscow trong khu vực. Nếu thành công, nó sẽ khiến các nước Trung Á mở rộng các thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Dĩ nhiên, cách hành xử của phương Tây cũng có thể đẩy hai nước xích lại gần nhau.

Thái An (theo Washingtontimes, Financial Times)