Nguyễn Huy Viện

Từ ngày 03 đến 12/7/2019, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 cùng tàu bảo vệ bờ biển vũ trang hạng nặng và máy bay trực thăng hộ tống vào khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện xấp xỉ trên dưới 200 hải lý.

Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Thị Thu Hằng đã ra tuyên bố phê phán hành động cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm các thỏa thuận song phương về hợp tác ở biển Đông mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và công bố; vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.

Trước hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Bà Morgan Ortagus Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng đã ra tuyên bố phê phán những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bà Morgan Ortagus cho rằng: "Những hành động khiêu khích được lặp lại của Trung Quốc nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước tuyên bố chủ quyền khác đe dọa đến an ninh năng lượng trong khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ: Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp ở vùng biển này như sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để khiêu khích, đe dọa, áp chế các nước khác là phá hoại hòa bình và an ninh khu vực.

{keywords}
Tàu chiến, máy bay của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào tháng 4.2018. Ảnh: Reuters

Bà Morgan Ortagus nhấn mạnh: "Mỹ kiên quyết phản đối sự áp chế và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải. Trung Quốc nên chấm dứt hành vi áp chế và kiềm chế các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này".

Tuy nhiên, để biện minh cho hành động phi pháp của mình, Trung Quốc cho rằng bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của họ.

Lập luận của ngụy biện trên đây hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt đã bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982).

Để thấy rõ mưu đồ và thủ đoạn thôn tính Biển Đông của Trung Quốc, cần phải hệ thống hành động của họ trong hơn 70 năm qua.

Đầu tiên, một bộ phận trong giới chức Trung Quốc “sáng tạo” ra “đường lưỡi bò”. Theo những tư liệu của giới nghiên cứu Trung Quốc công bố, xuất xứ của “đường lưỡi bò” như sau:

“Thời Trung Hoa dân quốc có tổ chức chuyến đi khảo sát kéo dài 2 tháng từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến đảo Ba Bình thuộc Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam). Sau chuyến đi, trở về trụ sở ở Quảng Châu,  chỉ huy Lâm Tuân cùng một số thuộc hạ vẽ ra bản đồ 11 đoạn rồi giao cho Sở Phương vực thuộc Bộ nội chính in ấn vào tháng 10/1947”.

Theo tư liệu của các báo Hong Kong và Trung Quốc thì “quy trình” làm ra “đường lưỡi bò” (Trung Quốc gọi là đường chữ U), thông qua một số cơ quan chức năng của nhà nước Trung Hoa dân quốc. Như vậy dù nếu có thông qua thì cũng bất hợp pháp vì không nhà nước nào có thể tự tiện vẽ bản đồ gom lãnh thổ lãnh hải của nhiều nước khác thành của mình.

Vì quá vô lý nên không chỉ các nước bị “đường lưỡi bò” liếm vào chủ quyền quốc gia phản đối kịch liệt mà ngay cả một số học giả và nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho rằng đây là một sản phẩm tuỳ tiện, vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác.

Học giả Lý Lệnh Hoa chuyên gia của Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc khẳng định: “đường hư tuyến do viên quan chức vụ nội chính tên Trịnh Tư Ước tiện tay vẽ mà không căn cứ vào bất kỳ cơ sở nào”.

Thậm chí, ông và một số đồng nghiệp còn tỏ ra xấu hổ vì: “Sau khi phát hành tấm bản đồ có đường chữ U này, nhà chức trách Trung Quốc thời bấy giờ còn hồ đồ công bố “kết quả nghiên cứu của chuyến đi khảo sát” như sau: “Diện tích biển của Trung Quốc bị các nước lấn chiếm như sau:  Việt Nam chiếm 1.170.000 km2; Philippines chiếm 620.000 km2; Malaysia chiếm 170.000 km2; Brunei chiếm 50.000 km2; Indonesia chiếm 35.000 km2!”.

Học giả Lý Lệnh Hoa khẳng định: "Họ chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay UNCLOS, họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn đường lưỡi bò chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ".

Vô lý là như vậy nhưng năm 1953, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt lại đường chữ U (đường lưỡi bò), từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn. Ranh giới của đường chữ U 9 đoạn còn được mở rộng, xâm lấn lên cả lãnh hải, thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Với việc phê duyệt “đường lưỡi bò” mới, là hành động chuẩn bị cho tham vọng và âm mưu thôn tính Biển Đông của chính quyền Trung Quốc.

Điều đó được biểu hiện bằng việc Trung Quốc dùng lực lượng quân sự chiếm đóng trái phép phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956 và chiếm toàn bộ quần đảo này năm 1974; chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.

Để thực hiện âm mưu và mục đích lâu dài, sau khi chiếm đóng các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhanh chóng biến nơi đây thành những căn cứ quân sự.

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp các bãi đá họ chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).

Không những vậy, theo các tài liệu quốc tế, Trung Quốc đang khẩn trương biến các đảo nhân tạo này thành các “chiến hạm” phục vụ cho tham vọng và âm mưu thôn tính toàn bộ Biển Đông và khống chế toàn bộ khu vực này.

Chủ tịch Trung Quốc đã ra chỉ lệnh cho quân đội nước này: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.

Về quân sự là vậy, còn về truyền thông báo chí Trung Quốc tuyên truyền, rằng các nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia... là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cướp tài nguyên của Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).

Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động ráo riết hướng tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là:

1. Lấy lợi ích và chủ quyền Quốc gia làm tối thượng, kịp thời thông tin tới nhân dân âm mưu, thủ đoạn, hành động độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chỉ như vậy mới có thể tập hợp và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh của toàn thể người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài cùng ý chí, quyết tâm việc bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia.

2. Thông qua tư liệu lịch sử và luật pháp quốc tế đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại. Khi xét thấy cần thiết nên kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế The Haye như Philipines đã làm và thành công năm 2016.

Hết sức tỉnh táo không mắc mưu trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, không để xảy ra xung đột vũ trang, ngoại trừ một khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, Trung Quốc gây chiến trước. 

3. Không ngừng củng cố khả năng phòng thủ đất nước, nhất là phòng thủ bờ biển và phòng thủ trên biển. Xử lý hài hòa và xây dựng quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuyệt đối không để rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”.

4. Xây dựng mối quan hệ chiến lược tin cậy với các quốc gia, nhất là với các cường quốc và các quốc gia cùng có lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, để cùng đồng lòng, tạo nên sự thống nhất và sức mạnh chống lại mọi hành động vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

5. Thông qua con đường ngoại giao và truyền thông làm cho bạn bè quốc tế thấy được âm mưu, thủ đoan và hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Thông qua các diễn đàn quốc tế đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu chứng cứ, tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.

Tóm lại nền tảng đảm bảo cho hoà và đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là tập hợp và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, nhất là các cường quốc cùng tất cả các nước có lợi ích chung để ngăn chặn âm mưu, hành động độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.