Sau khi Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, Trung Quốc đã nhất trí ký vào nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Đây được cho là dấu hiệu Bắc Kinh đang mất dần kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.

Hôm 5/4, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu hầu hết than, quặng sắt, vàng, titanium, vanadium và đất hiếm từ Triều Tiên. Than và quặng sắt vốn là nguồn xuất khẩu chính của Triều Tiên sang Trung Quốc. Ước tính, Trung Quốc mua 2/3 lượng xuất khẩu của Triều Tiên.

{keywords}

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một vụ thử tên lửa. Ảnh: EPA

Các tài nguyên xuất khẩu này được cho là nguồn thu quan trọng của chính phủ Bình Nhưỡng. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính, năm 2013, xuất khẩu của Triều Tiên đạt mức 4,4 tỷ USD, với 65% trong số này là sang Trung Quốc, và phần lớn mặt hàng là khoáng sản.

Với lệnh cấm này, đài CBS bình luận động tác của Trung Quốc cho thấy sự hợp tác then chốt Bắc Kinh tmang lại hiệu lực cho lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào nguồn mạch kinh tế của Triều Tiên.

Lâu nay, hễ Triều Tiên có động thái mà phương Tây coi là ‘gây hấn’ thì mọi sức ép lại nhằm về phía Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất, và cũng là cứu tinh duy nhất ‘hà hơi thổi ngạt’ cho nền kinh tế yếu kém của Triều Tiên, đặc biệt là sau mỗi lần trừng phạt.

Chế độ chính trị đặc biệt của Bình Nhưỡng trải qua nhiều giai đoạn chuyển giao lãnh đạo gian nan (và lần nào Mỹ cũng đoán chắc - một cách sai lầm - là sẽ dẫn tới sụp đổ). Hàng loạt biện pháp trừng phạt tinh vi, ngặt nghèo, chồng chất cũng không ngăn được Triều Tiên theo đuổi học thuyết Byeongjin tốn kém (phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và kinh tế). Để Triều Tiên làm được điều này, rõ ràng có sự đóng góp khổng lồ từ Trung Quốc.

Những khoản viện trợ của Trung Quốc và hợp tác thương mại đã giúp Triều Tiên duy trì kinh tế. Năm 2014, thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục 6,85 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng thương mại của Triều Tiên.

Tuy nhiên, hành động mạnh tay lần này của Trung Quốc cho thấy mối quan hệ đôi bên đang có những trắc trở nghiêm trọng. Khi Trung Quốc ra lệnh cấm trên, cũng là lúc ở Triều Tiên xuất hiện một văn bản không thể xác thực, có ghi nguồn từ Đảng Lao Động Triều Tiên, kêu gọi phát động tấn công hạt nhân vào Bắc Kinh. Daniel Pinkston, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Troy cho rằng, dù là giả, thì văn bản này cũng để lộ sự khó chịu thực sự của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.

Phản ứng khó chịu của Triều Tiên đối với hành động của Trung Quốc lần này cũng là điều dễ hiểu, bởi lệnh cấm rõ ràng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Bình Nhưỡng.

Thực chất, lệnh cấm mới đây của Trung Quốc chủ yếu ‘đánh’ vào tham vọng hạt nhân của chính quyền lãnh đao trẻ Kim Jong Un. Theo tờ Time, doanh thu từ nguồn xuất khẩu này chính là nguồn cung cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, viện trợ và thương mại liên quan tới thực phẩm và dầu vẫn được duy trì, bởi vì Bắc Kinh cho rằng, nếu trừng phạt lĩnh vực này sẽ khiến phương hại tới người dân vô tội, dẫn tới bất ổn trong nước (và không ai muốn bất kỳ ai ở Triều Tiên phải nhấn tay vào nút đỏ kích hoạt vũ khí hạt nhân).

Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên là dưới thời Kim Jong Un, kinh tế Triều Tiên đang phát triển. Tạp chí Washington Qarterly dẫn ra báo cáo gần đây từ thực địa và dữ liệu của Hàn Quốc cho thấy các tiến triển của Bình Nhưỡng, nhờ cải cách kinh tế và nông nghiệp dù còn hạn chế.

Theo Ngân hàng Hàn Quốc, sau 5 năm tăng trưởng âm thì Triều Tiên đã tăng GDP – cụ thể, năm 2012 là 1,3%, 2013 là 1,1%, và 2014 là 1%. Sản lượng công nghiệp và sản xuất tăng thêm 1,6% cùng kỳ năm 2013. Năm 2014, xuất nhập khẩu Triều Tiên đạt 7,61 tỷ USD, tăng 0,27% so với 2013 – đây cũng là mức cao nhất kể từ khi Ngân hàng Hàn Quốc giám sát nền kinh tế Triều Tiên.

Những con số thống kê này khiến cho nhiều học giả Mỹ đang phải thay đổi cách tiếp cận hời hợt về Triều Tiên, đặc biệt là về lãnh đạo Kim Jong Un – người được cho là ‘thiếu kinh nghiệm’, lên nắm quyền khi chưa có nền tảng vững vàng, nhưng đủ sức tiến hành nhiều cuộc thanh trừng nội bộ gay gắt, cùng hàng loạt vụ thử hạt nhân, tên lửa ồn ào.

Với Kim Jong Un, Bắc Kinh dường như cho thấy họ đang mất dần ảnh hưởng với lãnh đạo trẻ này. Bình Nhưỡng đang mang lại quá nhiều rắc rối cho Bắc Kinh với chương trình hạt nhân và tên lửa của họ, nên lần này Bắc Kinh không thể tiếp tục ‘giơ cao đánh khẽ’.

Tham vọng của Kim Jong Un đang đẩy Trung Quốc vào tình thế bị bủa vây bởi vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á – từ chính Bình Nhưỡng, từ hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục sửa đổi chính sách quốc phòng theo hướng kiềm chế Trung Quốc.

Tính chất mối quan hệ Trung – Triều là ‘môi hở, răng lạnh’ nên Bắc Kinh sẽ không bao giờ bỏ rơi hoặc để Bình Nhưỡng sụp đổ vì hai lẽ. Thứ nhất, Triều Tiên là một tài sản địa chiến lược vô giá với Trung Quốc. Thứ hai, không ai khác ngoài Bắc Kinh hiểu rõ rằng, với căn bản như hiện nay thì Triều Tiên không thể nào đánh thắng một cuộc chiến thông thường (nhận định của tờ ‘Người quan sát’ – Trung Quốc). Do đó, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mới là nghiệp chướng tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải hứng chịu, kể cả khi nó không bao giờ bay uy hiếp được Mỹ.

Lê Thu

Tiên đoán bất ngờ của Bin Laden trước khi chết

Tên khủng bố Osama bin Laden khi còn sống đã chỉ đạo tay chân mua vàng để tăng cường tài chính cho các hoạt động khủng bố đẫm máu.

Hình ảnh "siêu xe" mới của Putin

Tổng thống Putin sẽ bắt đầu di chuyển quanh thành phố trên một chiếc limousine do Nga sản xuất toàn bộ vào cuối năm tới.

Cuộc sống giữa vựa đồng nát khổng lồ

Nhiếp ảnh gia Shams Qari đã tới thăm bãi phế liệu Mayapuri tại Tây Delhi, Ấn Độ để mục sở thị vựa đồng nát lớn nhất châu Á.