Các nhân vật quan trọng trong Thường vụ Bộ Chính trị lần này như ông Thái Kỳ, ông Lý Cường, Đinh Tiết Tường và Vương Hỗ Ninh đều từng là thư ký cho ông Tập.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 20. Ảnh: Reuters

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã làm thay đổi Trung Quốc bằng cách tập trung hóa quyền lực, trấn áp tham nhũng, thúc đẩy chính sách ngoại giao quyết đoán hơn và đẩy mạnh sự tự cường về công nghệ và kinh tế.

Đặc sắc riêng phù hợp bối cảnh Trung Quốc

Ông Tập Cận Bình tuyên bố trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 20 rằng, Trung Quốc phải “chuẩn bị sẵn sàng để chống chọi với gió lớn, vùng nước chảy xiết và thậm chí cả những cơn bão nguy hiểm”. Ông cũng nhắc lại mục tiêu “thống nhất” với Đài Loan, ca ngợi chính sách “Không Covid” và nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế “tự lực tự cường”.

Điều này hàm ý những thách thức hiện hữu đối với nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm chính sách “Không Covid”, cuộc khủng hoảng bất động sản, các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, báo hiệu 2022 sẽ là một trong những năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế trong lịch sử gần đây.

Tuy nhiên, cách quản lý thực dụng và hợp lý đã giúp Trung Quốc vượt qua những thách thức lớn về chính sách công trong nhiều thập kỷ, và điều đó sẽ không thay đổi. Mặc dù ám chỉ đến những thách thức trong bài phát biểu của mình hôm 16/10, nhưng ông Tập đã thể hiện hình ảnh một Trung Quốc đổi mới và mạnh mẽ, tiến bộ theo các điều kiện của riêng mình và sẽ giữ vững các mục tiêu, chính sách trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Về dài hạn, ông tuyên bố Trung Quốc hướng đến mục tiêu trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại, thịnh vượng, giàu mạnh và có nền văn hóa tiên tiến trong giai đoạn từ năm 2035 đến giữa thế kỷ. Ông hối thúc toàn thể 96,7 triệu đảng viên đoàn kết xây dựng mục tiêu trên, “đẩy nhanh nỗ lực thúc đẩy một mô hình phát triển mới” khác với các quốc gia phương Tây. 

Ông Tập Cận Bình nói rằng tiến trình hiện đại hóa sẽ “đặc trưng bởi những đặc sắc riêng phù hợp với bối cảnh Trung Quốc”, chẳng hạn như “thịnh vượng chung cho mọi người” nhằm giảm chênh lệch thu nhập. 

Theo mục tiêu này, Bắc Kinh đã áp đặt các quy định đối trong nhiều lĩnh vực sinh lợi của quốc gia như ngành công nghệ thông tin và tài chính. Thông qua việc thực hiện các chính sách kinh tế như vậy, ông Tập cam kết tăng trưởng đáng kể tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người “ngang mức trung bình của một nước phát triển tầm trung”.

Tăng cường sức mạnh công nghệ

Tổng bí thư Trung Quốc cũng kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy và xây dựng “lực lượng vũ trang nhân dân với các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới”, dấu hiệu cho thấy đại lục sẽ thúc đẩy mục tiêu tăng cường năng lực của quân đội. Theo ông, Trung Quốc sẽ “thiết lập một hệ thống răn đe chiến lược mạnh mẽ”.

Ông khẳng định Trung Quốc đã đạt được “những bước đột phá trong một số công nghệ cốt lõi của các lĩnh vực then chốt” với những thành tựu trong việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ, siêu máy tính, thông tin lượng tử và công nghệ năng lượng hạt nhân… 

Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh về khoa học và công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ để “đạt được năng lực tự chủ cao hơn”, giúp các chuỗi cung ứng và công nghiệp linh hoạt và an toàn hơn.

Ông Tập khẳng định việc Trung Quốc thống nhất hoàn toàn là một "sứ mệnh lịch sử” và là “nhu cầu tất yếu” để đạt được mục tiêu chấn hưng dân tộc Trung Hoa, dự kiến hoàn thành vào năm 2050.

Về khía cạnh trách nhiệm toàn cầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh duy trì cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc sẽ “tích cực tham gia vào quản trị toàn cầu về biến đổi khí hậu”, nhắc lại cam kết giảm phát thải carbon, đồng thời hứa hẹn “tăng cường sử dụng sạch và hiệu quả nguồn năng lượng than đá”. 

Dù đã có kế hoạch giảm sử dụng than đá từ năm 2026 theo nội dung một loạt cam kết về khí hậu, song Bắc Kinh vẫn tăng cường chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch khi phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, suy giảm nguồn năng lượng khai thác nội địa và giá nhiên liệu toàn cầu tăng…

Không tìm kiếm bá quyền

Về quan hệ đối ngoại, ông Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh phản đối “tâm lý chiến tranh Lạnh” trong ngoại giao quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức chính trị bá quyền và cường quyền, phản đối tâm lý chiến tranh Lạnh, phản đối việc can thiệp vào chính trị nội bộ của quốc gia khác, phản đối các tiêu chuẩn kép”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh “sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền và sẽ không bao giờ có những hành vi bành trướng”.

Trong bài phát biểu khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới, và thế giới cũng cần có Trung Quốc. Sau hơn 40 năm nỗ lực không ngừng hướng đến cải cách và mở cửa, chúng tôi đã tạo nên 2 phép màu - phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội dài hạn”.

Nhà lãnh đạo đại lục nhấn mạnh: “Giờ đây, chúng ta đang có những bước tiến tự tin vào một hành trình mới để chuyển đổi Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, tiến tới mục tiêu thiên niên kỷ thứ hai và chấn hưng quốc gia ở mọi mặt, vì con đường tiến tới sự hiện đại hóa của Trung Quốc”.