- Chất lượng ngành sư phạm là một trong những vấn đề thảo luận nóng nhất trong hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2016-2017 ngày hôm qua, 11/8.

Điểm đầu vào thấp: Không quan trọng?

Tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học hôm qua, 11/8, đề cập tới vấn đề điểm đầu vào ngành sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điểm của của ngành này không thấp "như dư luận nghĩ". Thực tế, điểm có ngành rất cao, có ngành điểm tương đối, song một số ngành thì thấp đặc biệt là ở các trường cao đẳng và một số trường không chuyên sư phạm.

Tuy nhiên, ông Nhạ lý giải rằng nếu suy xét kỹ sẽ thấy một số ngành đào tạo sư phạm mầm non thì trọng tâm không phải là kiến thức mà là kỹ năng phẩm chất. 

Chẳng hạn như các trường cao đẳng giáo dục mầm non thì cần kỹ năng múa hát, tình yêu đối với trẻ . "Không thể chỉ nhìn vào một điểm thấp mà cào bằng cả ngành rồi đem so sánh ngành sư phạm với ngành kỹ thuật".

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo sáng 11/8. Ảnh: Thanh Hùng.

Cô Trần Thị Thu Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang cũng cho rằng, điểm chuẩn không quan trọng. Nhiều lúc trong kỳ thi việc giành được điểm cao hay thấp là do hên xui. Tất nhiên nếu điểm đầu vào thấp, và đặc biệt là các em yếu thật sự thì quá trình đào tạo rất khó.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định, điểm chuẩn chỉ là một trong các yếu tố của quá trình đào tạo, không nên nhìn nhận điểm chuẩn là tất cả.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng "nói một cách sòng phẳng" thì có những ngành có môn chỉ cần 1 điểm rưỡi là đã đậu ĐH. Vì vậy, với ngành sư phạm, cần quy định một mức điểm trên sàn cụ thể ví dụ là 20 hay 22.

"Như vậy, mỗi môn khoảng từ 7 điểm, hoặc giả sử vào sư phạm nào thì yêu cầu môn chính ít nhất phải trên 7 điểm, thì có lẽ sẽ đạt chuẩn tốt hơn" - ông Nam đề xuất.

Nhiều việc vượt quá tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục

Được mời phát biểu với tư cách Chủ tịch Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường sư phạm, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện có 4 vấn đề đối với các trường sư phạm hiện nay gồm: 1. Chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu. 2. Tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau. 3. Nguồn lực đầu tư tài chính cho sinh viên và 4. Phân bổ đội ngũ khác nhau.

"Điều này đang dẫn đến thừa thiếu nguồn nhân lực ngành sư phạm và nhân lực nói chúng tại các địa phương".

Để giải quyết, ông Minh đề xuất sớm thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Nếu cứ bình quân mãi mãi thế này sẽ không có trường đào tạo đỉnh cao được. Trường nào cũng tuyên bố sứ mạng tầm nhìn nhưng đều "rưa rứa".

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Tuy nhiên, với cách thức hiện nay, việc tuyển sinh của các trường địa phương, cao đẳng và đặc biệt là tuyển dụng giáo viên ở các cơ sở đang vượt ra khỏi sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Bộ đã nhận ra và chỉ rõ nhưng khi với tay vào việc cụ thể mà không không có sự chung tay của địa phương thì khó thực hiện.

 "Tôi kiến nghị hãy trả công tác giáo dục về cho ngành giáo dục" - ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng ngành sư phạm thì phải nắm được nhu cầu và dự báo nguồn nhu cầu nhân lực toàn ngành. Mà điều này thì Bộ GD-ĐT hoàn toàn làm được để xác định việc cấp chỉ tiêu cho các trường như thế nào cho phù hợp, tránh tình trạng sinh viên đào tạo ra không có việc làm mà việc tuyển dụng cũng khó khăn.

 "Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thí sinh không tha thiết vào ngành sư phạm" - ông Nam nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Trường Tùng cho rằng, với các ngành khác thì khó nhưng với ngành sư phạm thì dễ hình dung được số học sinh sẽ học là bao nhiêu ở mỗi lớp. 

Trên cơ sở đó hình dung ra được mấy năm sau. Từ đó Bộ GD-ĐT sẽ biết là thừa bao nhiêu GV để cắt giảm. 

"Năm nào Bộ cũng thông báo cũng cắt giảm chỉ tiêu sư phạm nhưng thực hiện đến các trường không tốt"- ông Tùng nhìn nhận.

Ngành sư phạm nên học kinh nghiệm từ công an, quân đội

Bà về vấn đề sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những ý kiến gần đây trong dư luận "đều đúng cả". Tuy nhiên, phải nhìn nhận thật sự căn cơ, nhìn cả một quá trình chứ không chỉ 1-2 năm, từ cung cầu đến điều kiện chứ không thể duy ý chí được.

Ông Nhạ nói Bộ rất quyết tâm làm ngay quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Hiện nay, Chính phủ đã rất quan tâm, đầu tư Dự án ETEP để xây dựng phát triển các trường sư phạm, chuẩn GV, chuẩn giảng viên.

Sắp tới, việc quy hoạch để hình thành một số trường sư phạm lớn còn các trường địa phương sẽ là vệ tinh để có hệ thống gọn nhẹ. Ngay cả sử dụng đầu ra kích hoạt đầu vào.

Tuy nhiên, ông Nhạ thừa nhận, rất nhiều chính sách không thuộc phạm vi tác động của Bộ GD-ĐT và phải làm việc với các bộ ngành khác nên chắc chắn sẽ cần thời gian.

Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải tham khảo kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm dựa trên nhu cầu nhân lực thực tế, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được" - ông Nhạ nói.

{keywords}
Cơ cấu sinh viên theo nhóm ngành. Nhóm ngành I đào tạo khoa học giáo dục và giáo viên. Nhóm ngành VII đào tạo Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin; Dịch vụ xã hội; Khách sạn, du lịch, thể thao và du lịch cá nhân; Dịch vụ vận tải; Môi trường và bảo vệ môi trường; An ninh - Quốc phòng.

Chỉ 2 trường sư phạm được công nhận kiểm định chất lượng

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm.

Như vậy, có tới 44 trường ĐH, 24 trường cao đẳng, 38 trường trung cấp không phải là trường sư phạm nhưng đang đào tạo ngành sư phạm. Tính tổng số, thì số trường không phải sư phạm là 106 trường trên tổng số 105 trường, chiếm tỉ lệ gần 70%.

Về quy mô đào tạo: năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016) nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên. Tổng quy mô đào tạo sinh viên của 14 trường đại học sư phạm là 151.208 (bao gồm cả các hệ cử nhân).

Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện này là: 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ: Tiến sĩ - 115 người, Thạc sĩ - 2.187 người. Đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm ~ 3,4%).

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm có diện tích đất đai, khuôn viên chật chội, không đáp ứng được tiêu chuẩn hiện hành, hạ tầng kỹ thuật thiếu và cũ kỹ, không đảm bảo yêu cầu sử dụng.

Đối với kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, cho tới nay chỉ mới có 2 trường ĐH sư phạm trên tổng số 30 trường được công nhận kiểm định chất lượng. Trong năm học 2016-2017, có thê 1 trường cao đẳng được đánh giá ngoài.

Lê Văn - Lê Huyền