Trong ngày 7/9, CNN đã trích dẫn cuốn sách sắp ra mắt của nhà báo Walter Isaacson, tiết lộ việc ông Musk ngắt kết nối Starlink ở gần bán đảo Crưm để ngăn cản tàu không người lái (USV) Ukraine tập kích hạm đội Nga ở Sevastopol.

"Khi các USV mang theo chất nổ của Ukraine tiếp cận tàu chiến của hải quân Nga, chúng đã mất kết nối và trôi dạt vào bờ một cách vô hại. Ông Musk đã bí mật yêu cầu các kỹ sư ngắt kết nối Starlink để ngăn chặn vụ tập kích", ông Isaacson cho biết.

Theo nhà báo Isaacson, quyết định của tỷ phú Mỹ được đưa ra do lo ngại rằng Nga sẽ đáp trả động thái của Ukraine bằng vũ khí hạt nhân. Mối quan ngại này bắt nguồn từ cuộc trao đổi của ông Musk với các quan chức Nga.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Reuters

Khi Nga làm gián đoạn hệ thống liên lạc của Ukraine nhằm phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt, ông Musk đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các thiết bị kết nối Starlink. Ngay cả khi mạng điện thoại di động và cáp internet bị phá hủy, hệ thống Starlink vẫn cho phép Ukraine tác chiến và duy trì kết nối.

Tuy vậy, khi Kiev bắt đầu sử dụng thiết bị Starlink cho các cuộc tập kích nhắm vào Nga, ông Musk bắt đầu tỏ ra hoài nghi về quyết định của mình. Tỷ phú Mỹ nhấn mạnh rằng, thiết bị của mình không được thiết kế cho mục đích quân sự.

"Ông ấy tự hỏi vai trò của mình là gì trong cuộc xung đột. Starlink được tạo ra để giúp mọi người xem phim, thư giãn, học tập, thực hiện các hoạt động hòa bình, không phải để điều khiển UAV tấn công", nhà báo Isaacson viết.

Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov sau đó đề nghị ông Musk khôi phục lại kết nối Starlink ở bờ biển gần bán đảo Crưm, nhưng tỷ phú Mỹ đã từ chối đề nghị này. "Ông Musk nghĩ rằng phía Ukraine đang đi quá xa", nhà báo Isaacson cho biết.

Tuy không đồng ý khôi phục kết nối ở Crưm, nhưng ông Musk vẫn đạt được thỏa thuận với Lầu Năm Góc nhằm cung cấp thêm 100.000 bộ thiết bị Starlink mới cho Ukraine vào đầu năm 2023. Số thiết bị này sẽ đảm bảo hệ thống liên lạc tại các vùng lãnh thổ của Ukraine được thông suốt.