Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định số 300/QĐ-NHNN nâng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) thêm hơn 1,1 ngàn tỷ đồng lên hơn 37 ngàn tỷ đồng.

Quyết định này thực chất là kết quả của việc NHNN cho Mizuho của Nhật mua cổ phần để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ và GIC của Singapore mua 2,55% cổ phần VCB hồi cuối 2018.

Tuy nhiên, nó cũng là một phần trong kế hoạch tăng vốn mà Vietcombank ấp ủ trong nhiều năm qua. Nếu không có gì thay đổi, ngày 26/4 tới, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 Vietcombank sẽ tiếp tục tăng vốn. Đợt phát hành vốn cho đối tác ngoại mới vừa qua mới thực hiện được 1/3 trong tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.

Trước đó, Vietcombank đã nhiều lần đề cập đến bài toán tăng vốn. Một trong những đề xuất được nói đến nhiều là xin được giữ lại lợi nhuận, giữ lại thặng dư và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

{keywords}
Vietcombank là ngân hàng có quy mô vốn lớn tại Việt Nam.

Tính đến hết 2018, Vietcombank còn hơn 20 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đó là chưa kể tới thăng dư bán cổ phần cho NĐT ngoại ở vào thời điểm trước khi kết thúc năm 2018. VCB bán cho Mizuho và GIC với giá 55.510 đồng/cp, gấp hơn 5,5 lần so với mệnh giá và thặng dư là hơn 5 ngàn tỷ đồng, có thể hiện thị trong báo cáo quý 1/2019.

Với lợi nhuận và thặng dư gần 26 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD), Vietcombank có thể dùng vào rất nhiều việc, trong đó có tăng vốn điều lệ trong cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các ngân hàng vài năm gần đây và cũng là để đáp ứng Basel II - một “chứng chỉ” thể hiện chất lượng quản trị rủi ro theo định hướng của NHNN. 

Ở vào thời điểm hiện tại, Vietcombank đứng ở vị trí thứ 2 về quy mô vốn điều lệ, chỉ sau Vietinbank. Tuy nhiên, hàng loạt ngân hàng tư nhân trong đó có Techcombank của tỷ phú USD mới nổi Hồ Hùng Anh đang tăng vốn thần tốc và áp sát top 3 ông lớn Vietinbank, Vietcombank, BIDV.

Trong năm 2018, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh đã ghi những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ: bùng nổ về mặt quy mô và cả chất. Năm 2018, Techcombank của ông đã đưa hơn 1,16 tỷ cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ hơn 11,6 ngàn tỷ đồng) lên sàn chứng khoán.

Ngay trước đó, hồi tháng 4/2018, Techcombank đã bán hơn 164 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, thu về 21.000 tỷ (hơn 920 triệu USD).

Với số tiền lợi nhuận tích lũy và thặng dư lớn, ngay sau khi lên sàn, Techcombank chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% tăng vốn từ hơn 11,6 ngàn tỷ đồng lên gần 35 ngàn tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, chỉ thua Vietcombank một chút ít.

Gần đây, hàng loạt ngân hàng cổ phần tư nhân dồn dập tăng vốn và tăng quy mô theo nhiều cách khác nhau như trường hợp VPBank của ông Ngô Chí Dũng và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Không chỉ là cuộc chạy đua về quy mô mà tăng vốn cũng là cuộc đua về chất lượng, trong đó có Basel II. Các ngân hàng buộc phải vốn để đảm bảo hệ số CAR; nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường, xây dựng hệ thống và thu thập dữ liệu… 

{keywords}
Tỷ phú USD Hồ Hùng Anh.

Quy mô vốn lớn cũng cho phép các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong bối cảnh NHNN hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định hệ thống tài chính quốc gia.

Trong một tín hiệu gần đây, Chính phủ đang bật đèn xanh để các NHTM có vốn nhà nước tăng vốn từ cổ tức. Cuộc đua giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục dữ dội. Các ngân hàng tư nhân như Techcombank đang phát triển rất nhanh và thực sự là một thách thức đối với các ông lớn Nhà nước.

Ông Hồ Hùng Anh vừa được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú USD thế giới 2019 với khối tài sản 1,7 tỷ USD và đứng thứ 1.349 thế giới. Ông Hùng Anh giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Hùng Anh tham gia đầu tư vào Techcombank từ năm 1995 và vào HĐQT năm 2004. Tới tháng 5/2008, ông chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận của TCB cũng chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền đổ vào mạnh mẽ đã giúp cân bằng áp lực chốt lời. Vn-Index đảo chiều tăng điểm. Nhiều mã blue-chips tăng điểm như Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail, Petrolimex, VietJet,...

Nhóm bất động sản, dầu khí, dệt may,... tăng mạnh.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, xu hướng của thị trường vẫn được duy trì với mức tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu như dự kiến, BVSC cho rằng, nhà đầu tư nên đẩy mạnh các hoạt động mua bán nhanh, ưu tiên lợi thế T+3. Các hoạt động mua trading nên thực hiện tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các nhịp thị trường điều chỉnh. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn hiện tại nên được khống chế ở mức tối đa 50-60% cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/3, VN-Index tăng 2,04 điểm lên 994,49 điểm; HNX-Index giảm 0,08 điểm xuống 108,48 điểm. Upcom-Index tăng 0,08 điểm lên 56,06 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 310 triệu đơn vị, trị giá 5,9 ngàn tỷ đồng.

Tuấn Linh