Nâng tầm công nghệ, tiết kiệm nghìn tỷ
Tại Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Hải Dương, giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện đã giúp chi phí tiết kiệm được từ tự chủ điện là trên 800 tỷ đồng. Năm 2021, Thép Hòa Phát Hải Dương sẽ đầu tư một số hạng mục nhằm tận dụng tối đa nguồn nhiệt, khí phát sinh trong luyện gang thép, nâng công suất phát điện lên 110MW, tiến tới tự chủ 100% nguồn điện sản xuất.
Chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đặt “đại bản doanh” sản xuất ở khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Tập đoàn Hòa Phát đã biến một dự án bị nhà đầu tư nước ngoài “bỏ hoang” hàng thập kỷ trở thành khu liên hợp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
Tiến kịp thế giới, phải đón đầu bằng công nghệ |
Tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất, DN đã đầu tư 2 tòa nhà làm khu phân tích tự động chất lượng gang thép và khu thử nghiệm cơ lý sản phẩm với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng. Đây là hệ thống lấy mẫu hiện đại nhất thế giới hiện nay. Toàn bộ quá trình nhận, xử lý mẫu, phân tích và trả kết quả hoàn toàn tự động. Thời gian tối đa trả kết quả đối với mẫu thép là 2 phút 30 giây, mẫu gang là 5 phút và mẫu xỉ là 7-10 phút.
Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đang quản lý, vận hành 4 nhà máy thủy điện (Đa Nhim, Sông Pha, Hàm Thuận, Đa Mi) nằm rải rác tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng trụ sở Công ty lại ở tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, việc quản lý điều hành sản xuất kinh doanh gặp những khó khăn và hạn chế nhất định.
Năm 2012, ĐHĐ đã đầu tư xây dựng Trung tâm Vận hành Nhà máy điện từ xa - OCC. Nhờ đó, thay vì phải sử dụng hàng chục người như trước, giờ mỗi ca trực chỉ cần 2-3 người.
Trung tâm OCC đã và đang trở thành một hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin, một sợi dây liên kết số (Digital threat) các dữ liệu rời rạc. OCC trở thành một trung tâm tích hợp với các tính năng chính như: điều khiển, giám sát, báo cáo, chào giá,... quản lý và điều hành toàn bộ các nhà máy của Công ty ĐHĐ.
"Hiện bộ phận kỹ thuật Công ty ĐHĐ đang nghiên cứu, ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), Data Mining với khả năng dự đoán, cảnh báo dựa trên cơ sở dữ liệu rất lớn mà hệ thống OCC đang có được”, đại diện EVNGenco1 cho biết.
Tại Thủy điện Bản Vẽ, việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là con đường ngắn nhất để bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất. Đơn vị đang triển khai nhiều dự án theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như: Hệ thống giám sát online tổ máy phát điện; Hệ thống thông báo sự cố qua tin nhắn; Hệ thống quản lý vật tư thiết bị bằng mã vạch; Ứng dụng công nghệ AI và Bigdata để xây dựng hệ thống dự báo lưu lượng về hồ thủy điện,...
Áp dụng công nghệ giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. |
Không muốn đi sau, phải áp dụng công nghệ hàng đầu
Theo đại diện Bộ Công Thương, công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) thực chất là xu hướng số hóa các phương thức sản xuất, chế tạo truyền thống. Trước đây, chỉ một số công đoạn sản xuất được tự động hóa bằng việc áp dụng công nghệ thông tin, nhưng hiện nay xu hướng tự động hóa sản xuất diễn ra với quy mô lớn hơn nhiều những gì đã xảy ra vào những năm 1970, thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
Sách trắng Công nghiệp Việt Nam 2019 đã khái quát toàn bộ xu hướng toàn cầu về chuyển đổi số đang diễn ra trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quá trình chuyển đổi số tổng thể diễn ra nhờ mọi vật được kết nối với Internet, nhờ sự kết hợp giữa công nghệ vận hành (OT) với công nghệ thông tin (IT), tạo ra một không gian ảo là bản sao của thế giới thật và một mô hình sản xuất - tiêu dùng hoàn toàn mới.
Theo đó, một quốc gia chưa có OT phát triển mạnh thì cũng sẽ không tạo ra nhiều cơ hội, môi trường rộng lớn để đưa IT vào ứng dụng, do vậy, cả OT và IT đều cần được quan tâm phát triển trong bối cảnh của cách mạng 4.0, đặc biệt ở các nước đang phát triển khi OT chưa đa dạng và chưa phát triển mạnh mẽ như ở các nước phát triển.
Vấn đề đặt ra là, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các nền tảng công nghệ OT vẫn chưa phát triển sẽ hạn chế việc ứng dụng IT vào OT. Vì thế, cùng với sự tập trung vào IT, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào OT với tự động hóa ở mức cao để tạo ra môi trường có thể ứng dụng được IT.
Trên thực tế, từ hàng thập kỷ nay, các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam vẫn “mang tiếng” là sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ từ nước ngoài. Những đánh giá đó vẫn thường được nhắc đi nhắc lại suốt nhiều năm từ chính các cơ quan ban ngành của Chính phủ. Nhưng, những đánh giá đó giờ đây cần phải được cập nhật hơn, để “đo” chính xác mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt.
Những minh chứng sống động cho thấy, doanh nghiệp Việt đã nhận thức được rõ hơn tầm quan trọng của công nghệ trong việc tạo ra các sản phẩm “made in Vietnam” và "make in Vietnam".
Nếu mãi áp dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời của nước ngoài, việc bắt kịp và vươn ra thị trường thế giới chỉ là giấc mộng viển vông. Sánh ngang cùng công nghệ của thế giới, sản phẩm của doanh nghiệp mới có cơ hội “đọ sức ngang ngửa” về chất lượng với những sản phẩm từ nước ngoài, nhất là khi các sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn còn yếu về mức độ phổ biến so với những thương hiệu nước ngoài.
Hà Duy
Make in Vietnam: Từ không làm nổi ốc vít đến gã khổng lồ công nghệ
Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã luôn ở vị thế của một nước gia công các sản phẩm công nghệ. Vậy đâu là con đường để phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam?