“Hôm nay, chúng ta đã chứng kiến mối đe dọa về năng lượng đối với châu Âu. Dù phía Nga đã được nhượng bộ về vấn đề chiếc tuabin thuộc đường ống Nord Stream 1, nhưng họ không tuân thủ đúng cam kết về lượng khí đốt chuyển cho châu Âu, từ đó gây khó khăn nhiều nhất có thể cho các quốc gia trong khu vực”, trang President.gov.ua dẫn lời ông Zelensky nói trong video được đăng đêm 25/7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: President.gov.ua

“Đó là lý do vì sao chúng ta cần đáp trả. Hãy ngừng nghĩ đến việc trả lại các tuabin bơm khí đốt mà cần tăng cường hơn nữa nhiều lệnh trừng phạt. Vấn đề khí đốt đang ‘uy hiếp’ châu Âu, và điều này chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Đây có thể được coi là động cơ thúc đẩy cho gói trừng phạt thứ tám của Liên minh châu Âu (EU) cần phải mạnh mẽ hơn, so với những biện pháp trong gói trừng phạt thứ bảy vừa được thông qua gần đây”, ông Zelensky nói thêm.

Theo trang President.gov.ua, những tuyên bố liên quan tới năng lượng được Tổng thống Ukraine đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ ngừng hoạt động thêm một tuabin ở trạm nén khí Portovaya thuộc hệ thống Nord Stream 1, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật. 

Kiev muốn thay tên lửa đạn đạo Liên Xô bằng HIMARS

Người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine, ông Kirill Budanov nhận định rằng, chính quyền Kiev coi Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 của Mỹ là sự thay thế tốt nhất cho tên lửa đạn đạo Tochka-U có từ Liên Xô.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington được tổ chức hôm 24/7, ông Budanov chỉ ra rằng tên lửa đạn đạo Tochka-U vẫn là lựa chọn tầm xa nhất trong kho khí tài của quân đội Ukraine. Dù vậy, ông cũng lên tiếng phàn nàn về việc “Ukraine còn lại rất ít tên lửa này” sau 5 tháng xung đột quân sự với Nga.

M142 HIMARS. Ảnh: Military Todays

“Nhưng giờ đây, các lực lượng vũ trang Ukraine đã có nhiều hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp cho nên chúng tôi sẽ chiến đấu với những vũ khí này. Nếu chúng tôi nhận được loại đạn dành cho HIMARS có tầm bắn xa hơn, thì chúng tôi sẽ sử dụng chúng. Như vậy, người Nga biết rằng dù thế nào đi nữa thì đó sẽ là sự kết thúc dành cho họ với những loại khí tài này”, ông Budanov nói.

Ông Budanov cũng bác bỏ việc quân đội Nga trong khoảng thời gian từ ngày 5-20/7 đã phá hủy một số hệ thống HIMARS. “Chúng tôi không hề tổn thất một hệ thống nào, bất chấp những gì phía Nga tuyên bố”.

Hãng tin RT của Nga nhận định, những phát biểu trên của người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine được đưa ra sau khi nhóm nghị sĩ Mỹ, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Adam Smith, trong chuyến thăm Kiev vào cuối tuần trước đã hé lộ việc Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoảng 25-30 hệ thống phóng rocket, bao gồm cả M142 HIMARS và pháo phản lực phóng loạt M270.