Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk hôm nay (30/4) trả lời phỏng vấn tờ DW của Đức nói rằng, bản thân ông nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ “thấy được lợi ích từ việc thực hiện cách tiếp cận cuộc xung đột thông qua con đường ngoại giao”.
“Theo tôi, Bắc Kinh đang theo đuổi lợi ích của họ. Nhưng bản thân tôi tin rằng, một giải pháp công bằng và hòa bình để chấm dứt chiến sự, sẽ phù hợp với những lợi ích của Trung Quốc hơn là một ‘cơn địa chấn’ không có hồi kết đối với toàn bộ trật tự thế giới”, ông Melnyk nói.
Theo ông Melnyk, cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc đối thoại đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, là một bước đi lớn nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Kiev và Bắc Kinh.
“Dù vậy với chúng tôi, việc Nga rút toàn bộ binh sĩ khỏi các khu vực họ đang kiểm soát vẫn là điều kiện tiên quyết đối với Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine nói thêm.
Bà Merkel đã cố ngăn xung đột Nga – Ukraine nổ ra
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tối 29/4 khẳng định rằng, bà đã làm mọi biện pháp trong quyền hạn lúc còn đương chức để ngăn cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
“Tôi đã dùng mọi phương án trong quyền hạn để ngăn cản chuyện này. Dù những nỗ lực này sau đó thất bại, nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta đã sai khi cố gắng ngăn cản xung đột. Đối với tôi, ngoại giao là một yếu tố cần thiết”, bà Merkel nói khi tham gia cuộc phỏng vấn với tuần báo Die Zeit.
Bà Merkel cho hay, bản thân bà bảo vệ tiến trình hòa bình Minsk, vốn được tạo ra để chấm dứt cuộc xung đột và hướng tới việc đàm phán giữa Kiev và lực lượng dân quân Donbass. “Dù vậy ở thời điểm đó, ngoại trừ Pháp và Đức, thì có rất ít quốc gia ở châu Âu quan tâm đến những nỗ lực ngoại giao này. Đức và Pháp đã nỗ lực giải quyết xung đột ở khu vực Donbass tại Hội đồng châu Âu”, bà Merkel nói thêm.