- Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để bù đắp cho bội chi ngân sách Nhà nước. Có lẽ đây là lần hiếm hoi thông tin ngân sách Nhà nước phải vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước để chi tiêu được lộ ra ngoài.
Quy định hiện hành không cấm Ngân hàng Nhà nước cho Bộ Tài chính vay, cũng chưa có quy định về mức tối đa được vay, thời hạn vay, lãi suất hay các điều kiện cho vay, điều kiện hoàn trả.
Trên thế giới, việc các chính phủ vay tiền từ Ngân hàng Trung ương để chi tiêu cũng không phải chuyện hiếm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khi Chính phủ vay để bù đắp bội chi ngân sách, thì việc đi vay nên thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu hoặc vay của các quỹ dự trữ. Như vậy sẽ hạn chế được những ảnh hưởng xấu tới cung tiền tệ.
Từ trước đến nay, ngân sách Nhà nước vẫn huy động một lượng tiền lớn mỗi năm thông qua phát hành các loại trái phiếu. Vì sao kênh huy động này đến nay lại không phát huy được hiệu quả của nó?
Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để bù đắp cho bội chi ngân sách Nhà nước |
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn. Tính đến ngày 17/6/2015, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014, mới hoàn thành 20% kế hoạch quý II và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2015, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ trúng thầu qua sàn giao dịch HNX đạt 106.211 tỷ đồng. Trong đó, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 90.052,17 tỷ đồng, mới hoàn thành 36,02% kế hoạch cả năm.
Những nguyên nhân chủ yếu khiến cho huy động qua trái phiếu suy giảm, được lý giải là do, từ năm 2015 chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên, làm cho nhà đầu tư khó dự báo biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn.
Không những thế, lãi suất trái phiếu cũng không hấp dẫn. Từ đầu năm đến nay, có những thời điểm lãi suất trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 5 năm giảm, chỉ ở mức 4,8%/năm, hiện nay tuy đã tăng lên 6,4%/năm, nhưng được cho chưa đủ hấp dẫn.
Trong khi huy động vốn từ trái phiếu giảm mạnh, thì nhu cầu vốn của năm 2015 là rất lớn. |
Khu vực ngân hàng thường mua tới 80% số lượng trái phiếu phát hành trước đây, đang có nhu cầu giảm, do tăng trưởng tín dụng tốt lên. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2015, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã đạt 7,83%, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cho vay cũng được cho là hấp dẫn hơn so với đầu tư vào trái phiếu.
Các năm trước, tín dụng tăng trưởng chậm, ngân hàng thừa tiền nên đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Từ giữa năm 2013 đến cuối 2014, một lượng vốn khổng lồ từ các ngân hàng thương mại đã chảy mạnh vào thị trường trái phiếu Chính phủ.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Việc phát hành này, theo Bộ Tài chính, đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.
Với 2015 thì mọi chuyện lại khác. Trong khi huy động vốn từ trái phiếu giảm mạnh, thì nhu cầu vốn của năm 2015 là rất lớn. Theo Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, ngoài 226.000 tỷ đồng vay để bù đắp bội chi NSNN 2015 thì Chính phủ phải huy động 130.000 tỷ đồng vay đảo nợ để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Ngoài ra phải phát hành thêm 80.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện chi cho các dự án, công trình cấp bách đã được duyệt. Nếu cộng 3 khoản nêu trên thì lượng trái phiếu năm 2015 cần phát hành lên đến 430.000 tỷ đồng.
Giá dầu thô đứng ở mức thấp, trong khi thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm về 5%-0% do các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia có hiệu lực, đã làm cho ngân sách giảm thu. Nay huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng giảm mạnh, có lẽ đó là nguyên nhân khiến cho ngân sách khó khăn và Bộ Tài chính phải đề nghị vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước để chi tiêu.
Tuy nhiên, theo quy định, với khoản vay tạm ứng như này, phải được hoàn trả trong cùng năm tài khóa, sẽ là khó khăn lớn với ngân sách Nhà nước.
Trần Thủy