Dù bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, song nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ quốc tế lớn vẫn không ngần ngại rót vốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel...
Nhiều địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM đã trở thành những "điểm nóng" thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước trong lĩnh vực công nghệ cao. Chẳng hạn như Bắc Ninh đang tiếp tục dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp và doanh thu từ ngành công nghiệp CNTT, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Microsoft..., Báo cáo Tổng kết 2015 của Bộ TT&TT cho hay.
Tương tự, Thái Nguyên cũng ước đạt doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT trong năm 2015 đạt từ 15-18 tỷ USD, chủ yếu là nhờ cụm tổ hợp nhà máy của Samsung Electronics Vietnam.
Mới đây nhất, Samsung đã đổ thêm 600 triệu USD cho khu Công nghệ cao TP.HCM, nâng tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án lên 2 tỷ USD.Theo số liệu tính đến tháng 10/2015 thì tổng mức đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam đã lên đến hơn 14 tỷ USD. Một Tập đoàn công nghệ lớn khác của Hàn Quốc là LG năm qua cũng đã khai trương một nhà máy 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng.
"Công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế... Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước", Bộ TT&TT nhận định.
Quy mô còn nhỏ
Tuy phát triển rất nhanh trong thời gian qua, song ngành Công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn có những điểm yếu, hạn chế không thể phủ nhận, như Quy mô phát triển còn nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn yếu;
Công nghiệp phần mềm mặc dù phát triển nhanh, nhưng còn khá manh mún, thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này chưa cao, đội ngũ nhân lực cho công nghiệp phần mềm còn thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu cũng như ngoại ngữ; công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu. Công nghiệp nội dung số và công nghiệp dịch vụ tuy có sự bùng nổ, tốc độ phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn mang tính sơ khai. Bản thân hành lang pháp lý cũng còn thiếu, dẫn đến hoạt động lúng túng và có thể giảm sút nếu thiếu sự đồng bộ và nhất quán giữa chính sách quản lý và chiến lược phát triển.
Để thúc đẩy hoạt động đầu tư FFI vào ngành, cũng như tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phần cứng, phần mềm và dịch vụ CNTT nội địa phát triển trong năm 2016, Bộ TT&TT đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a của Chính phủ, đặc biệt là cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp CNTT đầu tư, sản xuất kinh doanh....
Cũng theo số liệu từ Bộ TT&TT, một số doanh nghiệp, Tập đoàn CNTT nội đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2015. Trong đó, Tập đoàn FPT đạt tổng doanh thu 39.679 tỷ đồng, tăng 113% so với năm 2014. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 22%. Doanh thu từ thị trường nước ngoài dự kiến tăng trưởng trong khoảng 30% so với năm 2014, với sự hiện diện tại 19 quốc gia. Năm qua, Tập đoàn này đã thắng thầu nhiều dự án quan trọng như “Triển khai hệ thống quản lý thuế VAT” cho Chính phủ Bangladesh, được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng Internet tại Myanmar....
Một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nội dung số và thương mại điện tử là VNG cũng đạt doanh thu 1707 tỷ đồng, nộp ngân sách 157 tỷ đồng. Tập đoàn CMC có doanh thu ước đạt 3381 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 128% so với năm 2014. Nộp ngân sách 100 tỷ đồng, bằng 143% so với năm 2014.
T.C