Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra chiều 26/12.
Việc thặng dư thương mại đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Theo Bộ Công Thương dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đó là chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường (đối với các thương nhân sản xuất).
Bộ cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Với những giải pháp đó, Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng dầu trong nước đã được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho ngành. Trong đó, đáng lưu ý là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm cải thiện; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Công Thương đưa ra cho năm tới là chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương cũng chỉ đạo khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.