- Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng cho hay thực chất tiềm lực quốc phòng của VN trên biển không thiếu. Nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình là việc phải tính. 


Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng nay, ông Trần Văn Hằng cho rằng  diễn biến Biển Đông hiện nay, nhất là trong bối cảnh TQ ráo riết cải tạo đảo, đòi hỏi VN phải có sách lược khéo léo dù nếu lợi ích chủ quyền bị ảnh hưởng phải cương quyết bảo vệ.

Nhấn mạnh vấn đề Biển Đông đã quốc tế hóa, không chỉ còn là vấn đề song phương, ông Hằng nhận định VN phải khôn ngoan tính toán trước bối cảnh lợi ích của các nước lớn đan xen, không để rơi vào thế "đi giữa hai làn đạn".

{keywords}
Ông Trần Văn Hằng: VN phải khéo léo, không để bị rơi vào thế kẹt giữa hai làn đạn
Theo ông, VN "tranh thủ được tối đa" các quan hệ hợp tác nhưng nếu quyền lợi chủ quyền bị ảnh hưởng thì phải cương quyết.

Việc Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho VN trong bối cảnh này có tác động thế nào? Liệu nó có ý nghĩa chính trị hơn nhu cầu thực tế của VN?

Đó là hướng tích cực trong quan hệ hai nước, mang ý nghĩa chính trị quan trọng. Nó cũng thể hiện mức độ tin cậy trong hội nhập của VN với thế giới ở mức cao hơn. Mà hợp tác tin cậy cao hơn thì các xu hướng hợp tác thuận hơn. Còn quyết định này mở ra việc VN cân nhắc mua gì thì phải tính toán.

Nhu cầu về trang thiết bị vũ khí của VN sử dụng cho mục đích phòng vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền độc lập. Kinh tế VN vẫn khó khăn nhưng phải dành một phần nhất định để củng cố năng lực quốc phòng bảo vệ vùng biển chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định phát triển.

Thực chất tiềm lực quốc phòng của mình trên biển mình không thiếu, nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình là điều phải tính. Nói như thế không phải là chủ quan nhưng khả năng của mình là đảm bảo được.

Động đến chủ quyền là phải bảo vệ trước

Ông đánh giá thế nào nhân tố Mỹ và TQ trong những diễn biến Biển Đông hiện nay?

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ là rõ ràng và đang thể hiện xu hướng mở rộng quyền lợi ở Biển Đông. 

Nhưng khu vực vùng biển này không phải chỉ có riêng lợi ích của TQ. Biển Đông là tuyến hàng hải hết sức quan trọng nên nước nào cũng đều có mối quan tâm và lợi ích chung ở đây. Cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa. Nếu xảy ra xung đột thì nhiều nước chứ không phải riêng chúng ta đều bị thiệt hại.

VN xử lý ra sao trong các mối quan hệ lợi ích ràng buộc với các nhân tố liên quan ở Biển Đông?

Đã là vùng biển quốc tế thì quyền lợi bình đẳng. Trên vùng biển quốc tế bình đẳng, tôn trọng nhau không có chuyện anh to anh bé. Nhưng nếu là vùng biển chủ quyền bị xâm phạm thì phải bảo vệ trước đã.

Kỳ họp QH liệu sẽ có một nghị quyết về Biển Đông? Nếu không có thì QH có ra Tuyên bố hay thông cáo không?

Nghị quyết nào của QH muốn ban hành phải có quy trình, sau đó thực hiện. Nghị quyết ra để thực hiện. Vậy với vấn đề này, ra có thực hiện được không. Đấy là vấn đề phải cân nhắc.

Trong chương trình kỳ họp dự kiến không bàn về vấn đề Biển Đông nhưng trước tình hình phức tạp hiện nay thì có yêu cầu Chính phủ phải báo cáo tình hình biển Đông và giải pháp của ta đến thời điểm nào chín muồi cần phải ra thì nghiên cứu và làm đúng quy trình làm luật.

Về một tuyên bố hay thông cáo, có thể như thế nhưng phải chờ QH thảo luận. Theo tôi thì chưa đến mức như thế.

Hằng Nguyễn (ghi)