Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, theo ước tính của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, số lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh.  

Để giải quyết nhanh các yêu cầu hỗ trợ của người lao động, Trung tâm đã cải tiến quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh gọn, thuận lợi. Người lao động làm hồ sơ nộp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm đánh giá, ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo 2 hình thức, qua thẻ ATM và nhận tiền mặt qua dịch vụ bưu điện.

{keywords}
Thủ tục hỗ trợ cho người lao động thuận tiện, nhanh chóng

Đặc biệt, để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội, gmail… 

Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, giải quyết chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệpcho 6.300 lao động.

Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh còn tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để người lao động có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với việc làm mới.

Việc thường xuyên liên hệ, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Điều này vừa để nắm bắt tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, vừa tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác đào tạo lao động, giới thiệu việc làm, qua đó nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trên địa bàn.

Để kết nối doanh nghiệp với người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp linh hoạt như: hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng tại các phiên giao dịch; Đăng tải thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên website, fanpage của Trung tâm; Xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho người lao động...

Hiện nay, bên cạnh việc duy trì hoạt động định kỳ hằng tháng của 4 sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 6 phiên/tháng thì Trung tâm triển khai thêm hình thức kết nối online. Chính nhờ việc linh hoạt như vậy nên 6 tháng đầu năm 2021, vẫn có trên 7.000 lượt lao động được tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm cho trên 2.200 lượt lao động thất nghiệp, mất việc.

{keywords}
Thông tin giới thiệu về sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Ninh

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29.500 lao động. Cụ thể, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 7.000 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công cho 1.500 lao động trở lên; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 400 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh cho 20.600 lao động; nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh lên trên 45%.

Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn, Sở sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để người lao động yên tâm tìm kiếm công việc phù hợp.

Theo đó, thông qua xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động; thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho người lao động, nhất là thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư, học sinh, nhất là người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh; phát triển các hình thức tư vấn, giới thiệu trực tuyến để phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp như hiện nay.

Phiên giao dịch việc làm tháng 9 ở Quảng Ninh sẽ diễn ra từ 7h30 sáng ngày 10/9 ở cả 4 sàn giao dịch: Sàn giao dịch chính tại trụ sở Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại chi nhánh Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí.

Theo thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, tại sàn giao dịch chính có tổng số 13 đơn vị trực tiếp tham gia, trong đó có 54 vị trí việc làm, nhu cầu lao động cần tuyển là 460 người. Trong số này, hầu hết yêu cầu trình độ đại học với 287 người, chỉ có 27 chỉ tiêu dành cho lao động phổ thông. 

Ngoài ra, có 150 chỉ tiêu tuyển sinh học nghề. 

Trong khi đó, tại sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại chi nhánh Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí có 22 đơn vị trực tiếp tham gia. Nhu cầu tuyển dụng ở phiên giao dịch việc làm này ước tính lên tới hàng ngàn người. Chỉ tiêu dành cho lao động phổ thông ở 3 địa bàn này áp đảo.

Ngọc Linh