Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa công bố báo cáo mới với dự báo tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Tuy nhiên, bức tranh nền kinh tế Việt Nam được cho là vẫn tươi sáng hơn so với một viễn cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn.

Tăng trưởng chậm, thâm hụt cao

Trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm công bố chiều 19/7, World Bank đã đưa ra dự báo giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam xuống còn 6% từ mức 6,2% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.

Như vậy, thêm một lần nữa WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam. Trước đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam xuống mức 6,2%, thấp hơn 0,4% so với dự báo hồi đầu năm.

{keywords}

Nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn gần đây tại ĐBSCL lên nông nghiệp, sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại và xuất khẩu sụt giảm.

Theo WB, sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn trong nửa đầu 2016. GDP ước tính chỉ đạt 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại nhưng viễn cảnh trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực”, ông Achim Fork, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam cho biết WB nói.

Báo cáo đánh giá, ổn định kinh tế vẫn được duy trì và quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là tình trạng thâm hụt tài khóa tích tụ, kéo dài nhiều năm qua, nợ công tăng nhanh và đang nhanh chóng tiến gần mức trần 65% GDP. Bên cạnh đó là tốc độ tăng trưởng thương mại sụt giảm. Giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ, so với mức tăng 13,8% năm 2014 và 7,9% trong 2015…

Về thâm hụt tài khoán, trung bình đạt 6,7% GDP kể từ 2012. Vùng đệm tài khóa ngày càng thu hẹp, số tiền trả nợ ngày càng trở thành gánh nặng ngân sách (hiện chiếm 8% tổng thu của Chính phủ).

Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt cho rằng, chính phủ đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể. Các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khóa cần được phối hợp với cải cách nhằm tạo khoảng đệm tài khóa để đảm bảo thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công.

Vẫn sáng hơn thế giới?

Theo WB, viễn cảnh chung kinh tế Việt Nam là lạc quan. Đà tăng trưởng kinh tế chững lại, từ mức 6,7% năm 2015, dự báo xuống 6% 2016 và 6,3% trong 2017 nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát vẫn trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ. Triển vọng kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn tươi sáng hơn triển vọng kinh tế toàn cầu.

WB cho rằng rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn gia tăng, triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, kể cả tại các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế thu nhập cao. Những cơn gió ngược trên toàn cầu khác còn bao gồm: thương mại thế giới vẫn trì trệ; giá cả hàng hóa vẫn giữ ở mức thấp; chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn vẫn mang tính thích ứng. Rủi ro toàn cầu thiên về hướng tiêu cực, thêm vào đó sự kiện Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu EU (Brexit) tạo thêm bất ổn mới trong một viễn cảnh toàn cầu vốn đã mỏng manh.

{keywords}

Theo ông Sebastian Eckardt, mức độ ảnh hưởng của Brexit tới Việt Nam (tới 3 trụ cột kinh tế: tài chính, thương mại, đầu tư) tương đối hạn chế cho dù tác động trung và dài hạn của Brexit lên Anh, EU và phản ứng dây chuyền lên tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu là lớn.

Trên thực tế, đồng VND bị mất giá nhẹ sau kết quả bỏ phiếu Brexit nhưng cũng đã trở lại mức ổn định. Thị trường tài chính Việt Nam dự kiến sẽ chịu ít rủi ro hơn bởi lẽ quy mô thị trường và mức độ liên thông với các thị trường tài chính bên ngoài còn thấp. Tuy nhiên, USD và yên Nhật tăng giá có thể tạo thêm áp lực cho nợ công. Thương mại với EU khá lớn, nhưng trực tiếp với Anh chỉ khoảng 3% nên ảnh hưởng không nhiều.

Tuy tác động trực tiếp được đánh giá ở mức thấp, nhưng rủi ro toàn cầu gia tăng nên theo WB VN phải chú trọng củng cố ổn định cán cân vĩ mô nhằm nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế trước các biến động bất lợi từ bên ngoài.

Về vấn đề môi trường, ông Sebastian Eckardt cho rằng, Việt Nam hiện nay đang mở rộng rất nhiều khu vực công nghệ chế tạo, do vậy cần có những chuẩn mực tốt và giám sát tốt về môi trường.

V. Minh