Chọn ngân hàng gửi tiền
Từ đầu tháng 4, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm ở các kỳ hạn.
Với khối ngân hàng TMCP Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank có sự điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng về mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 3/2020. Với các kỳ hạn dài từ 12-60 tháng, lãi suất chỉ còn từ 6,6-6,8%/năm, giảm từ 0,2-0,3 điểm %, so với trước tùy từng kỳ hạn và từng ngân hàng.
Với các NHTM cổ phần, lãi suất cũng giảm ở nhiều kỳ hạn. Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất tiền gửi tại quầy các kì hạn từ 1-36 tháng động từ 3,95% tới 6,2%/năm, tùy theo từng phương thức lĩnh lãi và điều kiện của khách hàng. Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất tiết kiệm có kì hạn từ 1-60 tháng lĩnh lãi cuối kì, dao động từ 4,7%/năm đến 8,4%/năm. Trong đó, kì hạn 6-11 tháng từ 5,6- 5,8%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng từ 7,2-7,4%/năm, giảm 0,2 điểm phần % so với tháng 3.
Nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm |
Mức lãi suất cao nhất là 8,4%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 100 tỷ đồng và 24 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Tại Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) lãi suất huy động cao nhất trong tháng 4 đã giảm từ 7,9% xuống 7,3% (áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng với số tiền gửi từ 50 tỷ trở lên). Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng cũng giảm mạnh 0,5-0,6 điểm % so với tháng trước, trong khi lãi kỳ hạn dưới 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm %.
Tại các NHTM cổ phần nhỏ, nơi thường xuyên niêm yết lãi suất huy động cao nhất thị trường, tháng 4/2020 cũng giảm từ 0,1-0,6 điểm %. Trong đó, xu hướng giảm mạnh xuất hiện ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm vẫn khá cao với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), lãi suất tiết kiệm từ 6-11 tháng vẫn từ 7,5%-7,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm, 13 tháng là 8,1%/năm, từ 15-18 tháng là 8,15%, từ 24, 30 hoặc 36 tháng là 8,3% nếu lĩnh lãi cuối kỳ. Tại Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalbank) lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng từ 7-7,5%/năm. Đáng chú ý, tại kỳ hạn 13 tháng, mức lãi suất áp dụng cho hình thức huy động thông thường là 8,5%/năm. Tại Ngân hàng Việt Á, với số tiền gửi lớn, được hưởng lãi suất 8%/năm áp dụng cho kì hạn 13 và 15 tháng khi gửi ít nhất 500 triệu đồng.
Qua theo dõi, có thể thấy mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm nhiều so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể tìm đến nơi có phòng giao dịch của các ngân hàng TMCP nhỏ để gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất 8%/năm kỳ hạn 12 tháng hoặc từ 8,1-8,5% kỳ hạn 13 tháng lĩnh vào cuối kỳ. Đây là mức lãi suất huy động khá cao trong tình hình hiện nay.
Lãi suất tiếp tục giảm?
Theo ghi nhận của các DN, từ đầu tháng 4, hầu hết các ngân hàng đều đã thông báo giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới và cả trên dư nợ hiện hữu. Mức giảm lãi suất từ 0,5-2,5%. Tuy nhiên, các DN vẫn cho rằng mức giảm như vậy chưa đủ mạnh để giúp họ chống đỡ với khó khăn và vẫn mong muốn được giảm nhiều hơn nữa.
Nhiều người vẫn chọn cách gửi tiền tiết kiệm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp |
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận xét, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có xu hướng giảm tiếp trong thời gian tới bởi tác động của dịch Covid-19 khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức khá thấp. Ngoài ra, với diễn biến dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp như hiện nay, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Các gói hỗ trợ tín dụng có thể sẽ được mở rộng áp dụng với tất cả các khách hàng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ hỗ trợ giới hạn một số nhóm DN bị thiệt hại trực tiếp từ dịch bệnh như hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm lãi suất huy động trung bình từ đầu tháng 3 đến nay của ngân hàng từ 0,3-0,6 điểm % vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức giảm lãi suất cho vay. Vì thế, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãi suất tiền gửi tại các NHTM vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới. Bởi việc giảm lãi suất huy động cũng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng giảm áp lực trong khó khăn hiện nay.
Trước một số ý kiến lo ngại việc lãi suất huy động giảm sâu có thể khiến dòng tiền chảy sang các kênh khác, các ý kiến nhận định: lãi suất huy động giảm, người gửi tiền có quyền chuyển sang các kênh đầu tư khác. Nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì các kênh đầu tư tài chính khác cũng không mấy sáng sủa, gửi tiết kiệm vẫn yên tâm nhất.
Trần Thủy