Với chủ trương kiểm soát tín dụng ở mức phù hợp, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, với định hướng này, lãi sất cho vay năm 2019 khó có điều kiện giảm.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay phổ biến ở mức 6-9% với kỳ ngắn hạn và cho 9-11% với kỳ dài hạn, không phải DN nào cũng tiếp cận được.
Ngay đầu năm 2019, một loạt ngân hàng đã công bố giảm ngay 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2019, kéo lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam về mức thấp nhất là 6%/năm.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14%, các ngân hàng sẽ khó đẩy mạnh cho vay vốn. |
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được vay ưu đãi lãi suất thấp từ các ngân hàng này. Việc lựa chọn khách hàng để cho vay ưu đãi rất khắt khe. Đó phải là những DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả. Vì thế, thời gian qua, rất ít DN được hưởng ưu đãi trên.
Nhiều DN cho biết, do không tiếp cận được với các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước và ngân hàng TMCP lớn nên vẫn phải tìm đến ngân hàng TMCP nhỏ với mức lãi suất cao hơn.
Từ giữa tháng 2/2019 đến nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng TMCP nhỏ duy trì ở mức thấp nhất 11% với kỳ hạn ngắn và 12,5% với kỳ hạn dài, không hề giảm.
Hạn mức tín dụng không cao sẽ dẫn đến hiện tượng các ngân hàng ép DN vay với lãi suất cao, nhất là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu về vốn tăng. Trên thực tế điều này đã xảy ra vào cuối năm 2018, khi đó lãi suất cho vay bị các ngân hàng TMCP nhỏ đẩy tăng, do dư nợ tín dụng đến hạn. Nhiều DN phải vay với lãi suất trên 11% kỳ ngắn hạn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay sẽ ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay tiêu dùng, bất động sản,... Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng, bất động sản thường có lãi suất cao, để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng chắc chắn không muốn giảm mạnh cho vay các lĩnh vực này. Như vậy, nguồn vốn tập trung cho sản xuất kinh doanh khó đảm bảo đầy đủ. Khi nhu cầu tăng sẽ tác động lên lãi suất.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động cũng đang ở mặt bằng cao. Khảo sát biểu lãi suất 30 ngân hàng đầu tháng 4/2019 cho thấy, lãi suất huy động dài hạn cao nhất ở mức 8,6% với kỳ hạn 24 tháng. Còn lãi suất huy động ngắn hạn tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức 6,5%-7% tại các ngân hàng TMCP. Nhiều ngân hàng vẫn đang tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi để thu hút tiền gửi.
Trong khi đó, theo số liệu điều tra năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có 37% số DN cho biết họ khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn. Đặc biệt những DN nhỏ càng khó khăn hơn.
Các DN nhỏ than thở lãi suất cho vay cao khiến họ nản lòng. Thực tế, chiếm tới trên 90% trong tổng số DN Việt Nam hiện là các DN nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, chi phí hoạt động cao. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay càng làm giảm sức cạnh tranh.
Một DN sản xuất miến dong tại Đồng Nai nhẩm tính, chi chi phí lãi vay của công ty thường chiếm khoảng 20% tổng vốn. Với lãi suất vay hiện nay, đã khiến chi phi vốn tăng thêm 5-7% so với đầu năm 2018.
Để sản xuất ổn định, các DN cho biết phải cố gắng cắt giảm những chi phí không cần thiết, đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ, xúc tiến thương mại với các đối tác, tăng thời hạn thanh toán để đảm bảo việc xoay vòng vốn nhanh,... Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao kéo dài, DN khó tránh khỏi khó khăn.
Cho dù tín dụng có thể được nới cho phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, nhưng các ý kiến cho rằng, khó tác động đến giảm lãi suất cho vay. Bởi sẽ không có chuyện “vung tay”, khiến các ngân hàng phải cạnh tranh giảm lãi suất.
Ngoài ra, còn có những tác động khác đến lãi suất cho vay như: nợ xấu nhóm 5 của các ngân hàng năm 2018 tăng, giá cả hàng hóa thế giới, trong đó có dầu thô biến động và tỷ giá tăng.
Lãi suất cao, tính toán thấy không có lợi, DN sẽ không mở rộng hoặc giảm sản xuất kinh doanh. Nếu bắt buộc phải vay, chi phí sẽ tăng lên, dẫn đến giảm lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách, giảm khả năng cạnh tranh, nguy cơ thua lỗ, phá sản cao, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho biết.
Trần Thủy