Trình bày tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhấn mạnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mối quan ngại về việc tiếp cận tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho việc sản xuất kinh doanh.

Sau đó, trên cơ sở các gói tín dụng ưu đãi cho DN, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Và tại đây, doanh nghiệp cho thấy nhu cầu lớn nhất là muốn được ngân hàng giãn nợ, được vay mới với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh.

{keywords}
Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề tồn tại suốt nhiều năm nay.

Việc khó tiểp cận vốn vay cũng đã được thể hiện trong kết quả điều tra PCI 2019  được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 5/2020. Theo đó, có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải bao gồm: tìm kiếm khách hàng với 63% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời đang gặp phải, tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã đạt được thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. 

Theo đó, hai bên sẽ cùng đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ với các chính sách, sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất với từng hội viên theo đặc điểm ngành nghề, địa bàn phù hợp nhu cầu. Triển khai chương trình hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME chia sẻ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi sẽ giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và tăng trưởng sau đại dịch. Có vốn và được tư vấn sẽ giúp các DNNVV có thêm cơ hội để các doanh nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, đa dạng sản phẩm dịch vụ

Trước đó, thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) - Bộ Kế hoach - Đầu tư, SHB đã cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị đáp ứng quy định tại Điều 6 Nghị định số 39 của Chính phủ được vay  vốn với lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm, trung và dài hạn là 6,0%/năm. Đáng chú ý là mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay vốn.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tung các gói cho vay các DNNVV, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,50%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8,0%/năm với khoản vay trung dài hạn.

Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố ngân sách 4.000 tỉ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN vay vốn, nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN siêu nhỏ khó tiếp cận các gói tín dụng vì các báo cáo tài chính cùng hạn mức vốn của những DN này còn hạn chế. Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các hình thức bảo lãnh tín dụng cho các DN có khả năng vốn chủ sở hữu ít trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải,...

“Ngân hàng có thể đánh giá theo hình thức bảo lãnh để các DN này có thể tiếp cận. Phía các DN cần có những báo cáo tài chính công khai, minh bạch, nêu rõ khó khăn của mình cho NH biết. Tôi tin hai bên cố gắng thì sẽ gặp nhau... ”, ông Nguyễn Văn Thời hiến kế.

Theo bà Ngô Thu Hà, Phó Tổng giám đốc SHB, ngoài việc tăng cường nguồn vốn cho phân khúc DN nhỏ và vừa thì cần coi trọng việc cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục để DNNVV tiếp cận vốn thuận lợi hơn, Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo, tư vấn hỗ trợ DNNVV về các giải pháp tài chính; đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ phi tài chính phù hợp với nhu cầu của các DN Start-up, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa... 

Trong báo cáo mới đây, trên cơ sở tập hợp các ý kiến của 59 chi hội tỉnh thành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng: Chính phủ cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Chúng tôi được biết, toàn quốc hiện nay có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng trực thuộc các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng.

H.Duy