Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 với nhiều thông tin được quan tâm như thương vụ bán mảng bán lẻ cho Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang.

Theo báo cáo, vào ngày 31/12/2019, Tập đoàn Vingroup đã hoán đổi gần 413,9 triệu cổ phần (tương ứng 64,3% tỷ lệ sở hữu trong Công ty VCM cho một đối tác doanh nghiệp để nhận về quyền chọn nhận một số cổ phần của một công ty được thành lập trong tương lai.

Sau đó, tập đoàn này chuyển nhượng một phần quyền chọn và vẫn nắm tỷ lệ sở hữu đáng kể (nhưng không chi phối) tại công ty thành lập sau khi hoán đổi cổ phần.

Khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng một phần quyền chọn này là 8.502 tỷ đồng

Công ty VCM là đơn vị sở hữu Vincommerce và VinEco. Trong đó, Vincommerce quản lý mảng bán lẻ chuỗi Vinmart/Vinmart+ với hàng ngàn cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Còn VinEco là mảng nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup.

Đối tác doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chính là CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang.

Hồi cuối 2019, ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch kiêm CEO Masan) đã được bầu làm chủ tịch HĐQT ở cả 2 công ty VCM và CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce.

Trước đó, hồi đầu 9/2019, quỹ GIC của Singapore đầu tư 500 triệu vào VCM để mua 16,26%, tương đương mức định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD. Thương vụ này đã đẩy VCM trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam cả về qui mô và giá trị. 

{keywords}
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình lấy công nghệ, công nghiệp và dịch vụ làm trọng tâm và dịch Covid-19 đang lan rộng.

Báo cáo tài chính quí 4/2019 của Masan Group cũng đã thay đổi các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán. Với sự góp mặt của VCM, tài sản Masan đạt gần 97,3 ngàn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi; trong khi phải trả tăng từ 30,5 ngàn tỷ đồng lên 45,4 ngàn đồng.

Cũng trong năm 2019, Vingroup đã nhiều chuyển nhượng quan trọng. Hồi cuối tháng 3/2019, Vingroup đã chuyển nhượng 60 triệu cổ phần (100%) tại Prime Land cho một đối tác doanh nghiệp và các cá nhân với tổng giá trị chuyển nhượng là 2.610 tỷ đồng. Khoản lãi từ giao dịch là 1.612 tỷ đồng.

Vingroup cũng chuyển nhượng 60 triệu cổ phần (100%) tại Công ty Ngôi Sao Phương Nam cho một đối tác doanh nghiệp và các cá nhân với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.920 tỷ đồng. Khoản lãi từ giao dịch là 1.124 tỷ đồng.

Chuỗi bán lẻ Vinmart hiện hoạt động khá tốt và là một trong các chuỗi được mở cửa hoạt động phục vụ người dân trong bối cảnh cách ly toàn quốc để chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo báo cáo kiểm toán, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 2019 là hơn 130 ngàn tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15,6 ngàn tỷ đồng, tăng 12,5%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7,7 ngàn tỷ đồng, tăng 24%.

Các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán như Vingroup (VIC), Masan (MSN), Thế Giới Di Động (MWG), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)… gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Một loạt các trung tâm thương mại Vincom của Vingroup tại Hà Nội và TP HCM đã tạm đóng cửa đến ngày 15/4. Các siêu thị Vinmart và những gian hàng cung cấp nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường. Vinpearl đóng cửa các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Các cửa hàng của MWG, PNJ tại các vùng dịch cũng đã đóng cửa.

Vinhomes (DN quản lý mảng bất động sản của Vingroup tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh tương tác trực tuyến và ra mắt kênh Youtube chính thức để quảng bá sản phẩm. VinFast và VinSmart cũng đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh trực tuyến…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index sáng 1/4 tăng điểm nhẹ, nhờ sự hồi phục của đa số cổ phiếu chủ chốt sau một phiên sụt giảm trong phiên “Thứ Hai đen tối” đầu tuần. Chỉ số này đang tăng khoảng 7 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 600-650 điểm trong phiên 1/4. Trạng thái quá bán trên thị trường tiếp tục lan tỏa trên diện rộng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường xuất hiện phản ứng hồi phục kỹ thuật khi quay về kiểm định vùng hỗ trợ trên. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19.

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. Do đó nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung - dài hạn. Đối với nhà đầu tư đã thực hiện giải ngân tại vùng quanh 653 điểm tạm thời ngừng giải ngân mới. Các nhà đầu tư có vị thế tiền mặt lớn và có mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ 600-650 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, VN-Index tăng 0,27 điểm lên 662,53 điểm; HNX-Index giảm 0,65 điểm xuống 92,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,11% lên 47,74 điểm. Thanh khoản đạt 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà