Thất nghiệp tăng

Tại cuộc họp báo ngày 6/10, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại TP. Đà Nẵng đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020.

Trong quý III/2020, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đã được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, tính đến tháng 9/2020 cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,...

{keywords}
Covid-19 khiến tình hình lao động việc làm rất phức tạp.

Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập với mức giảm thu nhập nhẹ; gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy thị trường lao động việc làm đang có dấu hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Sự biến động của lực lượng lao động ở hai thành phố lớn nhất cả nước cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2020 là 48,6 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước và giảm 638.900 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng hơn 132 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ 2019.

Đối mặt thiệt thòi và bất lợi

9 tháng năm 2020, tăng trưởng GDP giảm rất mạnh, chỉ tăng 2,12% (cùng kỳ năm trước tăng 6,98%). Nhưng tỷ lệ thất nghiệp không bị tăng quá mạnh. Điều này có mâu thuẫn?

Trả lời câu hỏi này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, cho rằng: Theo kết quả điều tra lao động việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý III là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước. Còn tỷ lệ thất nghiệp 9 tháng là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp này chỉ giảm so với quý trước, còn so cùng kỳ năm trước vẫn cao hơn. Điều này cho thấy sản xuất kinh doanh quý III dần hồi phục nhưng chưa trở lại mức trước khi có dịch Covid-19. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam còn cao.

Ngoài ra, bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, người lao động gặp khó khăn trong việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho nên lao động thường tìm các công việc thời vụ để có thêm thu nhập.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, bên cạnh chỉ tiêu về thất nghiệp, cũng cần xem đến các chỉ số liên quan đến thiếu việc làm và tỷ lệ việc làm phi chính thức.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2020 là 2,69%, tăng 1,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%).

Điều đó phần nào phản ánh lực lượng lao động của Việt Nam rất linh hoạt trong việc tìm kiếm việc làm ở các khu vực phi chính thức để có thu nhập

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý: Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.

Trong 9 tháng năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 nghìn đồng). Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%)

Lương Bằng

Tín hiệu báo động, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm qua

Tín hiệu báo động, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm qua

Dịch Covid-19 làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh.