8 nhóm đối tượng được điều chỉnh
Trên thực tế, số người không có lương hưu ở nước ta rất nhiều, vì trước đó không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vì họ là những người lao động tự do, hoặc đóng BHXH không đủ số năm theo quy định. Với người con cái thành đạt hoặc có ruộng, vườn, hay đã kịp tích lũy được một khoản tiền thì cuộc sống lúc về già đỡ vất vả. Nếu không, cuộc sống lúc tuổi già sức yếu rất khó khăn.
Với những người có lương hưu, coi như đỡ lo phần nào, cho dù khi tuổi cao sức yếu, đã nghỉ việc thì không có nguồn thu nhập thêm. Nhìn chung, lương hưu là nguồn thu nhập duy nhất đối với đại đa số người về hưu. Với người mức lương thấp, thì lương hưu khó bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Vì vậy, việc tăng lương hưu (theo thời giá) luôn là vấn đề được người về hưu quan tâm.
Lương hưu vô cùng quý báu với người cao tuổi. Nguồn BHXH. |
Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với 8 đối tượng. Cụ thể như sau:
1/ Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển BHXH nông dân Nghệ An sang BHXH tự nguyện); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
2/ Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
3/ Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
4/ Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.
5/ Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
6/ Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
7/ Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
8/ Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Tăng lương hưu theo hướng “cào bằng”?
Theo dự thảo, người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì mức điều chỉnh cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Theo Bộ LĐTBXH, đề xuất mức điều chỉnh là 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; đồng thời, mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), như vậy phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.
Tuy nhiên, trước đề xuất tăng lương hưu của Bộ LĐTBXH, nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn đáng duy trì tình trạng chênh lệch lớn về lương hưu giữa các nhóm lao động: Có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp (1,3 triệu đồng) và cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng lương hưu theo kiểu “cào bằng” thì vẫn sẽ tồn tại sự chênh lệch lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng BHXH một lần trong nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng trong lúc công tác đóng BHXH khác nhau thì về hưu lương chênh lệch cao - thấp là bình thường. Nhưng ở phía ngược lại, những người lương hưu thấp cho rằng, khi đi làm người đóng BHXH cao cũng đồng nghĩa với mức lương cao, đã được hưởng nhiều năm rồi, nên khi về hưu cần có mức chung như nhau (tính theo số năm công tác).
(Theo Đại Đoàn Kết)