Câu hỏi đặt ra là, vì sao Mỹ và các đồng minh vẫn từ chối thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine dù một số quan chức và nhân vật có ảnh hưởng ở phương Tây bày tỏ ủng hộ đề xuất. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, Philip Breedlove, tướng Mỹ về hưu từng giữ chức chỉ huy các lực lượng NATO cho đến năm 2016, thậm chí nêu vấn đề, liệu phương Tây có nên "ngồi yên nhìn một cường quốc thế giới tiến đánh, phá hủy và kiểm soát một quốc gia có chủ quyền".

{keywords}
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, việc thiết lập vùng cấm bay phía trên nước này có thể giúp ngăn chặn các cuộc không kích của quân Nga, cứu các thành phố và sinh mạng của dân thường. Ảnh minh họa: Word Press 

Theo giới phân tích, để hiểu rõ quyết định của Mỹ và NATO, trước hết cần lưu ý rằng, ý tưởng về việc lập vùng cấm bay hay áp các giới hạn về không phận không phải là mới. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hiệp ước Versailles cấm Đức hoàn toàn không được thực hiện bất kỳ loại hình hàng không quân sự nào.

Các khu vực cấm bay thời hiện đại được thiết lập vào những năm 1990, sau khi Tổng thống Iraq lúc bấy giờ Sadam Hussein dùng vũ lực trấn áp người Kurd ở phía bắc và người Shi'ite ở phía nam đất nước. Mỹ, Anh và Pháp đã công bố vùng cấm bay ở vùng cực bắc Iraq và nửa cuối quốc gia Trung Đông này. Để triển khai quyết định, họ đã điều các chiến đấu cơ thực hiện khoảng 225.000 chuyến bay giám sát trong giai đoạn 1991 - 2003 (Pháp ngưng tham gia hoạt động này năm 1996).

Các vùng cấm bay tương tự được NATO thiết lập với Bosnia và Herzegovina giai đoạn 1993 - 1995 và với Libya vào năm 2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi.

Về cơ bản, các vùng cấm bay ngăn một quốc gia sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công các mục tiêu quân sự hoặc dân thường trên mặt đất. Tuy nhiên, lợi ích nhân đạo đó cũng đi kèm một cái giá phải trả. Không đơn thuần chỉ công bố các giới hạn không phận, những cường quốc thiết lập chúng sẽ phải điều chiến đấu cơ tuần tra và sẵn sàng nhắm bắn các máy bay thù địch. 4 phi cơ của Iraq đã bị bắn rơi vào những năm 1990.

Để xúc tiến những cuộc tuần tra như vậy một cách an toàn, các nước cũng phải đảm bảo máy bay của họ sẽ không bị bắn hạ. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực nhận diện, gây nhiễu hay thậm chí phá hủy các hệ thống phòng không trên mặt đất. “Thực tế, lập vùng cấm bay cũng giống như một hành động chiến tranh", ông Breedlove bình luận.

Hơn thế nữa, các vùng cấm bay cũng có những hạn chế. Ví dụ, vùng cấm bay phía trên Bosnia gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các chuyến bay của trực thăng. Ngoài ra, theo tạp chí Economist, dù thiết lập một khu vực như vậy có thể ngăn đối phương sử dụng máy bay, nhưng việc đó không thể chặn họ dùng các lực lượng khác với mục đích tương tự, chẳng hạn như đoàn xe thiết giáp khổng lồ Nga đang điều động áp sát thủ đô Kiev của Ukraine.

Vào những năm 1990, dù không thể ném bom người Shi'ite từ trên không, nhưng chính quyền Saddam đã tập kích họ trên mặt đất, giữa lúc “các máy bay Mỹ thực thi [vùng cấm bay] quần liệng phía trên đầu”. Do đó, nhà phân tích quân sự Micah Zenko tin, những vùng cấm bay kiểu như vậy “đã được mở rộng để phục vụ các mục tiêu quân sự và chính trị, vốn không liên quan đến các lí do công khai ban đầu về việc thiết lập chúng".

Những người ủng hộ vùng cấm bay đã tìm cách hạ thấp những rủi ro nói trên. Họ lập luận rằng, Tổng thống Nga Putin không muốn gây chiến với NATO. Một số đề xuất, Mỹ và NATO có thể thiết lập vùng cấm bay một phần ở phía tây Ukraine, cách xa tâm chiến sự. Họ nêu ví dụ về Syria, nơi Nga và Mỹ "giảm xung đột" về sự hiện diện quân sự của hai nước này, sao cho các máy bay hai bên tránh di chuyển ở cùng độ cao hoặc vị trí với nhau.

Theo họ, một vùng cấm bay ở phía tây Ukraine có thể giúp Tổng thống Volodymyr Zelensky thành lập một chính phủ thay thế tại thành phố Lviv nếu Kiev thất thủ. Có lẽ chính vì lí do này, Lầu Năm Góc nói, Nga không quan tâm đến các cơ chế giải trừ xung đột cho Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/3 từng cảnh báo, việc NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine có thể dẫn tới "một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu". Theo ông Blinken, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cùng các đồng minh để cung cấp cho Kiev những phương tiện cần thiết giúp họ tự bảo vệ trước sự tấn công của các lực lượng Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định, liên minh hiện không cân nhắc giải pháp về vùng cấm bay phía trên Ukraine. Ông giải thích, động thái như vậy đồng nghĩa, các lực lượng NATO sẽ phải bắn hạ máy bay quân sự của Nga tham chiến ở nước láng giềng, trong khi liên minh không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Moscow.

"Nhiệm vụ cốt lõi của chúng tôi là giữ cho 30 quốc gia thành viên được an toàn ... Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo cuộc xung đột này không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine", ông Stoltenberg nhấn mạnh, đồng thời cho biết NATO sẽ không điều máy bay chiến đấu hay binh sĩ đến Ukraine.

Trước đó, hôm 3/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng tuyên bố, việc lập vùng cấm bay ở Ukraine phụ thuộc quyết định của NATO, nhưng động thái sẽ là "một bước quá xa", "tiềm ẩn nguy cơ leo thang và có thể dẫn đến chiến tranh thế giới lần thứ 3".

Tuấn Anh

 >>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay

Tổng thống Ukraine thúc giục Mỹ hỗ trợ chiến cơ, áp đặt vùng cấm bay

Tổng thống Ukraine thúc giục Mỹ hỗ trợ chiến cơ, áp đặt vùng cấm bay

8 giờ tối hôm nay (16/3, giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.