Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn tuyên bố thẳng thừng của Triều Tiên rằng nước này "không có ý định ngồi đối diện" với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở khu nghỉ dưỡng Capella trên đảo Sentosa, Singapore, tháng 6/2018. Ảnh: AP |
Thứ trưởng Biegun, người cũng giữ vai trò đặc sứ của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên, sẽ đặt chân xuống sân bay Osan ở phía nam Seoul trong ngày. Alex Wong, phó đại diện đặc biệt về Triều Tiên, dự kiến sẽ đi cùng ông. Trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, ông Biegun cũng sẽ tới Tokyo để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Akiba.
Ở Seoul, nhà ngoại giao Mỹ sẽ hội đàm với đặc phái viên hạt nhân của Seoul, Lee Do-hoon, về cách thức phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân hiện nay. Nghị trình của họ có thể còn bao gồm các mối quan hệ liên Triều sau khi Bình Nhưỡng cho nổ tung văn phòng liên lạc chung Hàn - Triều ở biên giới.
Theo Japan Times, trong thông báo được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Kwon Jong Gun- quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước này - mô tả những lời của Hàn Quốc kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng nối lại đàm phán là "vô nghĩa", vì Hàn Quốc không còn xứng đáng là người hòa giải.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, trong các cuộc gặp gỡ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Thứ trưởng Biegun sẽ bàn về sự hợp tác liên minh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có "phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã 3 lần gặp nhau sau khi họ chuyển hướng sang ngoại giao hạt nhân năm 2018. Tuy nhiên, đàm phán đã sa lầy, bởi Mỹ bác đề nghị của Triều Tiên về dỡ bỏ phần lớn cấm vận để đổi lấy từ bỏ một phần năng lực hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, thời gian gần đây, Triều Tiên thường xuyên tuyên bố nước này sẽ không dành cho Tổng thống Trump các cuộc gặp cấp cao để ông có thể "khoe" như thành tích đối ngoại của mình, mà không nhận lại được thứ gì. Bình Nhưỡng cũng gia tăng áp lực lên Hàn Quốc, cắt đứt hợp tác và phá bỏ văn phòng liên lạc chung.
Một số nhà phân tích tin Triều Tiên sẽ không đối thoại với Washington vào lúc này, thay vào đó sẽ tập trung gây sức ép với Seoul để củng cố lợi thế trước khi quay trở lại bàn đàm phán sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Họ cho rằng, Triều Tiên có thể không muốn đưa ra một cam kết hay nhượng bộ gì đáng kể trong lúc chờ đợi một sự thay đổi lãnh đạo có thể ở Nhà Trắng.
Thanh Hảo
Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ
Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên tuyên bố, nước này không thấy cần thiết phải đàm phán với Mỹ khi đây chỉ là "công cụ chính trị" cho Washington.
Giải mã chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Hiện chưa có thông tin nào khẳng định Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo lớp vỏ bảo vệ chịu nhiệt cho các đầu tên lửa.