Trước sức ép quá lớn, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã phải rút khỏi cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về sự can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống 2016.
Jeff Sessions khẳng định bản thân không nói dối khi chứng thực tại buổi chất vấn phê chuẩn của Thượng viện hồi tháng 1 rằng, ông "không có liên lạc nào với người Nga".
Tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jefff Sessions đang chịu sức ép rất lớn về chuyện liên lạc với người Nga. (Ảnh: Chicago Tribune) |
Nhưng phe Dân chủ đang đồng loạt đòi tân Bộ trưởng Tư pháp từ chức, sau khi có tin ông đã gặp đại sứ Nga trong khi diễn ra cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Các tuyên bố Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử đã đeo bám Tổng thống Donald Trump suốt thời gian vừa qua
"Tôi quyết định tự ra khỏi mọi cuộc điều tra hiện thời hoặc tương lai về bất kỳ chủ đề nào liên quan đến các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ", hãng tin BBC dẫn lời ông Sessions trong một thông cáo.
Trong cuộc họp báo của Bộ Tư pháp ở Washington DC, ông tuyên bố lời chứng thực của mình tại buổi chất vấn phê chuẩn là "trung thực và chính xác như tôi hiểu khi đó".
Ông Sessions bị cáo buộc gì?
Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak là nhân vật trung tâm trong bê bối khiến cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải từ chức. (Ảnh: AP) |
Trong buổi chất vấn ngày 10/1, ông Sessions được hỏi: "Nếu có bằng chứng ai đó gắn với chiến dịch Trump liên lạc với Chính phủ Nga, trong tiến trình chiến dịch này, ông sẽ làm gì?". Ông trả lời: "Tôi không biết về bất kỳ hoạt động nào như thế. Tôi đã được gọi là một đại diện vào lúc này lúc khác trong chiến dịch, và tôi không có liên lạc với người Nga. Tôi không thể bình luận về việc này".
Tuy nhiên, hóa ra, ông Sessions và đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak đã có một cuộc hội đàm riêng tại văn phòng của ông hồi tháng 9, và trước đó hai ông cũng từng trò chuyện tại một cuộc gặp gỡ với một số đại sứ khác.
Các cuộc gặp của ông Jeff Sessions với nhà ngoại giao Nga diễn ra khi ông đóng một vai trò nổi trội trong đội ngũ chiến dịch của Trump (là người đại diện) và giữa bối cảnh có tin người Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ông Kislyak là đại sứ Nga và là nhân vật trung tâm trong bê bối khiến cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Michael Flynn phải từ chức mới đây. Ông Flynn bị sa thải hồi tháng 2 sau khi nói dối về các cuộc hội thoại của mình với Đại sứ Kislyak, với chủ đề được cho là về cấm vận Mỹ.
Ông Sessions nói gì?
Tại cuộc họp báo hôm 2/3, ông Sessions khẳng định đã trò chuyện với Đại sứ Nga trên cương vị một thượng nghị sĩ Mỹ, chứ không phải đại diện của ông Trump.
"Tôi chưa từng có các cuộc gặp nào với các điệp vụ Nga, hoặc các nhân vật trung gian Nga, về chiến dịch Trump", ông Sessions quả quyết. Ông cho biết thêm, trong cuộc trò chuyện, ông đã nói với Đại sứ Kislyak rằng, ông từng đến Nga cùng với một tổ chức nhà thờ năm 1991. Hai người tiếp tục trò chuyện về khủng bố, và sau đó "chủ đề Ukraina xuất hiện".
Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, ông gặp Đại sứ Kislyak với tư cách một thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Và việc các thành viên Ủy ban gặp các đại sứ là chuyện thông thường.
Tổng thống Trump nói gì?
Trong một thông cáo gửi tới hãng tin Reuters, Tổng thống Donald Trump nêu rõ: "Jeff Sessions là một người trung thực. Ông ấy không nói gì sai. Ông ấy có thể đã nêu câu trả lời của mình chính xác hơn, nhưng điều đó rõ ràng không chủ ý. Phe Dân chủ đang chơi trò. Đó đích thị là một cuộc săn đuổi".
Trước đó, bình luận trong chuyến đi tới một hàng không mẫu hạm ở Virginia, ông Trump nói mình "không biết" ông Sessions đã gặp đại sứ Nga.
Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng, người Nga đã tấn công mạng nhằm vào các tổ chức Dân chủ trong cuộc chạy đua tranh cử và góp phần giúp ông Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton. Tổng thống Trump gọi cáo buộc ông hoặc các trợ tá trong chiến dịch liên lạc với tình báo Nga là "tin vịt".
Đồi Capitol đánh giá thế nào?
Bà Nancy Peloci cáo buộc ông Jeff Sessions khai man. (Ảnh: AP) |
Phe Dân chủ đã ngay lập tức lên tiếng, và động thái mới của ông Sessions đã khiến họ nguôi phần nào cơn tức giận.
Lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Peloci, liên tục kêu gọi tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức, nói rằng việc ông tự giải cứu và xin lỗi để thanh minh cho sự khai man của mình" là không thỏa đáng.
Adam Schiff, một thành viên Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng đòi ông Sessions từ chức, lập luận ông "rõ ràng đã lừa dối" Thượng viện.
Nhiều thành viên Cộng hòa cấp cao tại Hạ viện và Thượng viện, trong đó có các thượng nghị sĩ Rob Portman, Marco Rubio và Lindsey Graham - trước đó cũng lên tiếng nói ông Session nên tự cứu mình.
Ông Sessions có bị tội khai man?
Các công tố viên sẽ phải chứng tỏ ông Sessions không chỉ đưa ra các tuyên bố sai sự thật mà còn chủ ý lừa dối các thành viên của Ủy ban về một thực tế không thể chối cãi.
Ngày 2/3, ông Sessions khẳng định đã trả lời câu hỏi dành cho mình, rằng ông tin câu hỏi đó là về các liên lạc liên quan đến chiến dịch tranh cử, chứ không phải các cuộc trò chuyện ngoại giao của ông trên cương vị một Thượng nghị sĩ.
Ông Sessions từng bỏ phiếu buộc tội cựu Tổng thống Bill Clinton vì khai man khi Tổng thống Mỹ bị cáo buộc nói dối một ban hội thẩm về mối quan hệ với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Thanh Hảo