Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, sáng 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự có Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam; đại diện Myanmar, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và gần 350 đại biểu đại diện các bộ, ngành 6 nước, các đối tác phát triển và khối doanh nghiệp trong vào ngoài khu vực.

Với chủ đề “GMS: Củng cố sức mạnh để đối mặt với những thách thức của thập kỷ mới”, Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ HNTĐ GMS 6 (3/2018) và thảo luận phương hướng hợp tác trong thập kỷ mới cũng như các giải pháp để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.

{keywords}
Thủ tướng tham dự từ điểm cầu Hà Nội

Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong gần 3 thập kỷ qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”.

Về định hướng hợp tác giai đoạn mới, Hội nghị thông qua “Kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023” và “Khung chiến lược Chương trình Hợp tác kinh tế GMS 2030”. Các nhà lãnh đạo đã đưa ra tầm nhìn 2030 về một khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Càng khó khăn, càng cần đoàn kết hơn, gắn bó hơn, đồng lòng hơn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của tiểu vùng Mekong mở rộng trong tiến trình hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Châu Á. 

{keywords}
 

Thủ tướng nhận định giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để các nước thành viên GMS thể hiện nỗ lực, quyết tâm, cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển. Càng khó khăn các nước GMS càng cần đoàn kết hơn, gắn bó hơn, đồng lòng, tương trợ lẫn nhau để vượt qua thách thức; cùng nhau tạo nên bản lĩnh, uy tín, thương hiệu và giá trị bền vững của GMS.

Các nước GMS những nước láng giềng núi sông gắn liền, cùng chung dòng sông Mekong huyền thoại, có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có quan hệ mật thiết và tình cảm ấm áp, gắn kết giữa các dân tộc anh em...

Sự tin cậy chính trị và hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, hiệu quả, thiết thực, tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục là điều kiện không thể thiếu cho thành công của GMS.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung chính.

Ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, trước dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh Covid-19. Không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch Covid-19.

Do vậy, lúc này chúng ta cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh Covid-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Trọng tâm là hỗ trợ tiếp cận vắc xin và dược phẩm điều trị Covid-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vắc xin qua các cơ chế đa phương và song phương. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vắc xin, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực.

Việt Nam đề nghị các nước sản xuất được vắc xin, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục hỗ trợ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh thông qua hài hoà, đơn giản hoá quy trình, thủ tục thông quan; mở “hành lang xanh” tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng dịch; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại.

Tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông, các cửa khẩu, cảng biển GMS...

{keywords}
 

Đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trên cơ sở phát triển hạ tầng số; tăng cường thương mại điện tử, thương mại số. Phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch nhất là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động; và xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, chú trọng nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là sông Mekong.

Tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng đã đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS.

Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS và cùng các nước láng giềng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Bài phát biểu của Thủ tướng được hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao. Lãnh đạo cấp cao các nước đều quan tâm, chia sẻ và đồng tình ủng hộ quan điểm và các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là các định hướng quan trọng, đề xuất cụ thể để xây dựng khu vực GMS an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, bao trùm.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của hội nghị và thống nhất tổ chức HNTĐ GMS 8 tại Trung Quốc vào năm 2024.

>> Xem Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị

Thành Nam

Thủ tướng nêu 5 đề xuất để thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế số

Thủ tướng nêu 5 đề xuất để thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế số

Việt Nam sớm nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.